Nguyên nhân gì khiến kinh tế Triều Tiên kiệt quệ hơn cả lệnh trừng phạt?
Việc Triều Tiên đóng cửa các đường biên giới để ngăn chặn dịch bệnh khiến nền kinh tế nước này chịu tổn thất nặng nề hơn cả tác động từ lệnh trừng phạt quốc tế.
Phong tỏa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế Triều Tiên. (Ảnh: AP) |
Theo Bloomberg, đây là thông tin nằm trong bản báo cáo mới được Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố gần đây.
Báo cáo của KITA cho hay, hoạt động thương mại giữa Triều Tiên với đối tác kinh tế lớn nhất là Trung Quốc đã sụt giảm 73% trong tháng Chín. Tính toàn năm nay, trao đổi thương mại Trung – Triều sụt giảm tới 80%. Trong khi đó, trong tháng 9/2018, hoạt động thương mại Trung – Triều giảm 57% do cộng đồng quốc tế gia tăng lệnh trừng phạt nhằm buộc chính quyền Bình Nhưỡng dừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
Cũng theo báo cáo, trong khi lệnh trừng phạt chủ yếu tác động tới hoạt động xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc, thì dịch Covid-19 lại ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động nhập khẩu hàng hóa của Triều Tiên.
Cho tới nay, Bình Nhưỡng vẫn khẳng định nước này chưa có bất cứ ca mắc Covid-19 nào, nhưng truyền thông Triều Tiên nhiều lần đưa tin về việc kinh tế đang phải hứng chịu ảnh hưởng vô cùng lớn từ dịch bệnh. Hồi tuần trước, NK News cho hay các kệ hàng trong siêu thị ở Bình Nhưỡng thường xuyên trong tình trạng thiếu trầm trọng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu so với cách đây một năm.
Trong khi biên giới Hàn – Triều trở thành vùng biên giới được vũ trang hạng nặng nhất thế giới, thì biên giới Trung - Triều lại được xem có nhiều lỗ hổng an ninh. Trong nhiều năm qua, nhiều dân buôn chợ đen Trung - Triều thường xuyên qua lại biên giới hai nước để buôn bán. Nhưng ngay từ đầu năm nay, lo ngại trước nguy cơ bùng phát dịch Covid-19, Triều Tiên đã cho đóng cửa toàn bộ biên giới, cũng như tăng cường giám sát an ninh dọc đường biên giới dài 1.420 km với Trung Quốc.
Hồi tháng Tám, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên thừa nhận nền kinh tế nước này đang đối mặt với “những thách thức chưa từng có”, khiến những mục tiêu phát triển của ông Kim bị trì hoãn.
KITA cho hay, Triều Tiên đã cho tăng cường hoạt động cách ly ở biên giới trong tháng 8 – 9 để chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên 10/10. Hoạt động này vẫn sẽ được thực hiện nghiêm ngặt cho tới đại hội đảng Lao động Triều vào tháng 1/2021. Do đó, Triều Tiên sẽ chỉ cho nhập các mặt hàng thiết yếu.
Số liệu được KITA công bố cho hay, trong con số 73% sụt giảm thương mại Trung – Triều hồi tháng Chín, thì hoạt động xuất khẩu giảm 70% xuống còn 46 triệu USD và nhập khẩu giảm 73% xuống còn 487 triệu USD.
Nguồn thu từ các mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên như đồng hồ và tóc giả gần như bị dừng hoàn toàn. Nguyên nhân là do quy định phong tỏa các đường biên giới khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa không nằm trong danh mục của lệnh trừng phạt cũng không thể thực hiện được.
Hiện Triều Tiên vẫn chưa cho công bố con số chính thức về tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế quốc gia. Nhưng hồi tháng Tám, tổ chức Fitch Solutions nhận định, kinh tế Triều Tiên sẽ bị sụt giảm ít nhất là 8,5% trong năm 2020 do những tác động tiêu cực từ dịch bệnh.
Minh Thu (lược dịch)