Sợ ung thư dạ dày, 'cắm đầu, cắm cổ' điều trị HP
Nhiều người lo sợ ung thư dạ dày nên khi đi kiểm tra có dương tính với vi khuẩn HP đã cố gắng miệt mài điều trị mà không biết rằng lạm dụng điều trị cũng không tốt cho sức khoẻ của mình.
Mải miết điều trị HP
Chị Nguyễn Thị Giang – 31tuổi, Ninh Bình chia sẻ chị bị đau dạ dày, đi nội soi bác sĩ cho biết viêm dạ dày, trào ngược thực quản, dương tính với vi khuẩn HP. Chị Giang lên mạng đọc nghe nói vi khuẩn này gây ung thư dạ dày nên rất lo lắng. Chị điều trị được 2 tháng đi kiểm tra lại không còn nhưng vài tháng sau đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ HP lại xuất hiện.
Nhân viên y tế còn tư vấn chị Giang nên đưa các con đi kiểm tra. Chị Giang đã đưa hai bé gái 6 tuổi và 3 tuổi đến khám. Hai bé cũng nhiễm HP.
Cả ba mẹ con chị miệt mài trị HP cả năm nay. 3 tháng chị lại đi test hơi thở 1 lần. Chị Giang thú thực có người thân qua đời vì ung thư dạ dày nên chị rất sợ. Vì sợ quá nên lạm dụng điều trị.
Theo PGS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa - kiêm Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Ống Tiêu hóa bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (HP) rất phổ biến. Vi khuẩn HP là một loại vi khuẩn sinh sống và phát triển trong dạ dày người. Theo thống kê có tới 70% người Việt nhiễm vi khuẩn HP.
Vi khuẩn HP là vi khuẩn duy nhất sống được ở niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, vi khuẩn này cũng trú ngụ ở nhiều cơ quan như họng, niệm mạc thực quản, ruột non… Môi trường ưa thích nhất của vi khuẩn này là môi trường axit trong dạ dày.
PGS Tuấn cho biết vi khuẩn này đặc biệt khác đó là nó tự sinh ra men bảo vệ nó sống ở môi trường axit trong dạ dày, phá huỷ axit để nó sống. Vi khuẩn này có thể sống vĩnh viễn ở môi trường dạ dày nếu không điều trị bằng thuốc.
Vi khuẩn HP cũng có thể sống ở môi trường nước, có thể ở dạng khuẩn cầu ở môi trường đất, không khí. Bất cứ ai cũng có thể nhiễm HP đặc biệt là trẻ em sức đề kháng chưa tốt. Nếu cha mẹ duy trì thói quen hôn hít trẻ, ăn chung thìa đũa càng làm tăng nguy cơ lây HP cho trẻ.
Vi khuẩn này lây qua đường miệng – miệng. Người nhiễm HP lây qua nước bọt, đồ ăn, uống chung cốc nước, ăn chung bát, bàn chải đánh răng.
Vi khuẩn HP nguy hiểm thế nào? |
Đặc biệt, nhiễm HP có thể lây qua đường y tế. Người nội soi dạ dày nội soi ống nội soi không được sát khuẩn theo đúng quy định thì vi khuẩn này sẽ lây chéo nhau. Ngoài ra, các nguyên nhân khác như đi lấy cao răng, các thiết bị khám tai mũi họng.
Khi nào cần test HP
Theo PGS Tuấn, nhiễm khuẩn HP rất khó phát hiện. Đa số người bệnh nhiễm HP không biết mà chỉ gây biểu hiện lâm sàng khi HP gây bệnh lý viêm loét dạ dày. Để xác định cơ thể có nhiễm HP hay không không cần đi kiểm tra HP thông thường mà chỉ kiểm tra khi có biểu hiện lâm sàng như đau dạ dày, trào ngược dạ dày.
Có 3 cách kiểm tra HP. Thứ nhất, kiểm tra HP qua nội soi dạ dày. Bác sĩ lấy mảnh niêm mạc ở dạ dày để nuôi cấy, giải phẫu bệnh. Cách thứ hai dùng test không sang chấn như test thở. Cách thứ ba là xét nghiệm HP trong phân hoặc xét nghiệm máu tìm kháng thể của HP. Hiện nay, test thở được sử dụng nhiều nhất. PGS Tuấn cho biết chỉ đi tìm HP khi có biểu hiện đau dạ dày, trào ngược dạ dày… còn lại thì không cần thiết.
Có rất nhiều người bệnh lo lắng điều trị HP vì sợ ung thư dạ dày. Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa ung thư dạ dày và HP. Tuy nhiên, chỉ có 1% số người ung thư dạ dày nhiễm HP. Người bình thường nhiễm HP con đường dẫn tới ung thư rất xa nên bạn không cần sợ hãi, lo lắng mà điều trị HP bằng được. Bản chất, vi khuẩn này tái đi, tái lại nếu ai cũng “cắm đầu” lo điều trị HP sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí trầm cảm vì HP.
Khi nào cần điều trị HP? chỉ khi có bệnh lý do HP gây ra như viêm dạ dày, loét dạ dày, diệt HP khi bị ung thư để phòng tái nhiễm. Ngoài ra, bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, thiếu máu nhược sắc cũng nên điều trị HP. Việc điều trị HP phải kiên trì. Người bệnh uống kháng sinh 7 ngày và thuốc ức chế axit có thể kéo dài từ 1 tháng tới vài tháng.
PGS Tuấn cho biết bản thân ông đã gặp rất nhiều các cháu nhỏ, do áp lực học hành nên các cháu bị đau dạ dày. Nội soi dạ dày thấy các cháu có nhiễm HP. Trẻ không có biểu hiện gì nhưng vì còn HP nên gia đình kiên trì điều trị vi khuẩn này. Thậm chí, PGS Tuấn cho biết có gia đình lạm dụng điều trị HP dẫn tới các tác dụng phụ của thuốc. PGS Tuấn nhấn mạnh thêm lần nữa chỉ có triệu chứng lâm sàng mới kết hợp điều trị HP.
Khánh Chi