Người ngang nhiên 'hôi của' của cô gái đánh rơi 30 triệu có thể bị xử tù
Theo luật sư, đây không chỉ là hành vi đáng lên án về mặt đạo đức mà ở góc độ pháp lý, hành vi “hôi của” có thể bị xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự.
Sáng 29/1, cộng đồng mạng xôn xao trước câu chuyện về một cô gái bị rơi 30 triệu đồng tại phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM. Điều đặc biệt là sau khi rơi số tiền này, có rất nhiều người đã nhanh chóng chạy đến “hôi của”, thay vì nhặt trả lại cho nạn nhân.
Hình ảnh người dân lao vào nhặt tiền của cô gái đánh rơi (ảnh cắt từ clip). |
Thấy nhiều tiền bay rớt xuống đất, một số người lập tức dừng xe hoặc chạy từ nhà ra “hôi của”. Không có ai giúp cô gom lại số tiền. Khi biết bị mất, cô gái buồn khóc những cũng không ai trả lại. Cô cho biết đó là số tiền 30 triệu đồng cô đang đi trả nợ và là số tiền rất lớn đối với cô.
Khi thông tin vụ việc được chia sẻ, cộng đồng mạng đã lên án mạnh mẽ những người có hành vi hôi của và bày tỏ sự thương cảm với nạn nhân.
Trao đổi với PV về vụ việc, luật sư Diệp Năng Bình (Hà Nội) cho biết: “Trong rất nhiều trường hợp, người đánh rơi tiền "mất trắng" tài sản khi quá đông người "hôi của" ngang nhiên chiếm đoạt, nạn nhân mất kiểm soát, không thể ngăn cản được.
Những người công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác như vậy, không chỉ đáng lên án về mặt đạo đức mà ở góc độ pháp lý, hành vi này có thể bị xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự.
Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên như sau: Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Trong trường hợp người phát hiện tài sản của người khác bỏ quê, bị rơi mà chiếm đoạt, giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì người thực hiện hành vi trên sẽ bị xử lý hành chính theo Điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013 về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác. Theo quy đinh này, người có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng".
Viện dẫn nội dung Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư thông tin thêm, về mặt hình sự, người có hành vi “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác.
Theo đó, người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc các trường hợp sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Khung hình phạt tù cao nhất của tội danh trên là 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Sau khi xem hình ảnh camera an ninh từ nhà dân bên đường ghi lại, chị Trân đã liên hệ, khóc xin mọi người trả tiền nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Một người bán hàng gần đoạn chị Trân bị rơi tiền chỉ trả lại 4 triệu đồng. Chị Trân cho biết đã liên hệ với phía công an để giải quyết. Ngay trưa hôm đó, công an cũng đã tới hiện trường điều tra, xử lý.
Chị Trân đang vô cùng lo lắng, buồn bã, không dám về quê ăn Tết vì số tiền dành dụm trả nợ đã mất sạch. Sau khi biết được sự việc và kiểm chứng video trích xuất từ camera, phía chủ nợ đã đồng ý gia hạn cho cho Trân. Tuy nhiên, việc kiếm được 30 triệu không phải là chuyện dễ dàng đối với chị.
Tiến Anh