Người mẹ tìm người ghép trái tim từ con trai hiến tặng: Bệnh viện Việt Đức nói gì?
Theo quy định của pháp luật người nhận tạng hoàn toàn được bí mật và bệnh viện cũng không thể yêu cầu họ gặp cảm ơn người/gia đình có người hiến tạng.
Mấy ngày qua trên Facebook mọi người truyền thông tin của một bà mẹ có con đã hiến đa tạng cứu người. Bà mẹ này cho biết con trai bị tai nạn chết não và sau đó gia đình hiến tặng toàn bộ tạng của cậu cho y học ghép tạng cứu nhiều người.
Ca ghép tạng được thực hiện từ tháng 9/2020 đến nay gia đình người hiến đã gặp các bệnh nhân nhận tạng khác trừ người nhận trái tim.
Bà mẹ lên mạng với mong muốn ai biết thông tin người nhận tim vào ngày 16-17/9/2020 hoặc muộn hơn vài ngày liên hệ với thân nhân của người hiến tạng.
Ca hiến tạng bà ghép thực hiện ở Bệnh Viện trung ương Quân đội 108 ngày 16/9. Riêng trường hợp ghép tim được Trung tâm điều phối và ghép tạng quốc gia điều phối cho Bệnh Viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện cho bệnh nhân viêm cơ tim thể giãn giai đoạn cuối.
Thông tin tìm người nhận tim được cộng đồng quan tâm chia sẻ và mong muốn gia đình người hiến có thể gặp được người đã mang trái tim của con mình.
Ảnh minh họa |
GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết, ông đã biết việc gia đình người hiến muốn tìm người nhận tim nhưng đây là điều không thể thực hiện được. Ông đã đề nghị Trung tâm điều phối Quốc gia liên lạc với gia đình người hiến để giải thích về quy định trong việc cung cấp thông tin giữa người hiến và ghép mô tạng.
Vị lãnh đạo rất chia sẻ với nguyện vọng của gia đình người hiến nhưng theo quy định của luật pháp, bệnh viện và các bác sĩ không được cung cấp thông tin, địa chỉ của người hiến và người nhận tạng để tránh những trường hợp không hay xảy ra.
Theo vị lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức, trên thế giới, các thông tin về người hiến và ghép đều được mã hoá, không được phép tiết lộ để đảm bảo cuộc sống bình thường của người được nhận tạng, nhất là trong quá trình khám chữa bệnh.
Bệnh viện thực hiện hàng trăm ca ghép tạng nhưng đây là lần đầu ông biết được đề nghị từ gia đình người hiến tạng mong muốn gặp người nhận để có thể cảm nhận sự sống của người thân của họ ở một cơ thể người khác.
"Nếu một cơ sở nào đó thực hiện kết nối giữa người hiến tạng và người nhận tạng dưới bất cứ hình thức nào đều là không đúng quy định, là vi phạm pháp luật. Còn nếu người nhận tha thiết gặp người hiến, họ sẽ tìm cách để gặp phía gia đình người hiến. Bệnh viện không thể bắt người đó tìm đến gia đình/người đã hiến tạng cho mình.
Theo quy định thì người hiến tạng chết sẽ được Nhà nước hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở. Người hiến tạng cũng sẽ được truy tặng kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân", ông cho biết.
Cũng theo vị lãnh đạo bệnh viện, đến thời điểm này, người được ghép tim từ người thanh niên hiến tạng chết não (con trai người mẹ nói trên) vẫn đang sống khỏe mạnh.
Trong Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hình thức xử phạt hành vi tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép mô, bộ phận cơ thể người trừ trường hợp có sự thỏa thuận của các bên hoặc pháp luật có quy định khác là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 34 Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
Cụ thể, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trừ trường hợp có sự thỏa thuận của các bên hoặc pháp luật có quy định khác.
Khánh Chi