Người hàng xóm kì cục
Tường không ưa cô hàng xóm kế bên từ trận cãi nhau dạo trước. Nhưng bây giờ, Tường phải thay đổi.
Hàng xóm kế bên dọn về thuê nhà gần một năm, cô ấy làm nghề cắt tóc cho một salon trong quận. Ngay từ lần đầu gặp, Tường đã không thiện cảm với người này, bởi tóc tai gì mà xanh đỏ, trong khi tuổi cũng ngoài 40.
Vì ấn tượng ban đầu không tốt, nên cũng nhà ai nấy sống. Ở thành phố lớn mà, đèn nhà ai nhà nấy rạng, ít khi thăm hỏi nhau cũng là lẽ thường. Có mấy lần đi chợ về, Tường thấy người phụ nữ ấy cười mỉm, nhưng cô lãnh đạm, thấy khó mà hợp để giao lưu.
Cứ nghĩ nước sông không phạm nước giếng. Vậy mà người phụ nữ ấy dắt bạn bè về, ăn uống say xỉn xong hát hò karaoke chộn rộn cả một khu. Tường khó chịu, nhưng cô ráng nhịn. Tới khoảng 10 giờ, nhà bên đó còn hát, trong khi con bé nhà Tường không ngủ nổi. Cô gắt gỏng nói to sang nhà bên nhắc nhở. Đám tiệc đang vui dừng lại giữa chừng. Người phụ nữ ấy có nói qua lại vài câu, Tường cũng chẳng vừa, lời qua tiếng lại, thành ra mích lòng.
Sau hôm ấy, Tường càng có ác cảm với người hàng xóm ở một mình đó.
Tường từng không ưa người hàng xóm kế bên nhà. (Ảnh minh họa) |
Mãi đến đợt dịch này, Tường mới ở nhà nhiều, để ý nhiều người phụ nữ tóc xanh tóc đỏ ấy. Salon cô ấy làm chắc chắn đóng cửa rồi, thành ra Tường thấy “hàng xóm” ở nhà nhiều hơn. Chiều chiều, cũng có tiếng loa bật nho nhỏ, hát mấy bài buồn buồn thương nhớ quê hương. Tường đứng ngay ban công nhìn sang, thấy người phụ nữ đó ngồi hát một mình, dưới sàn nhà có cốc bia lạnh.
Dịch căng hơn, hôm cán bộ của phường đến ghi danh sách hỗ trợ người thất nghiệp, Tường thấy người phụ nữ ấy cũng đăng ký. Cô lờ mờ hiểu, “hàng xóm” cũng đang gặp khó khăn. Có mấy lần Tường thấy nhà bên đó đi chợ, xách về chỉ túi khoai, bó rau muống, cô cũng muốn giúp, nhưng ngại vụ cãi nhau hồi lâu. Thế là lại tần ngần thôi kệ.
Mấy nay, con gái cô sốt phát ban, chồng thì lại ở luôn trên cơ quan làm việc cho kịp tiến độ. Mình Tường vật vã lo cho con, tới lúc hết thuốc, cô quýnh quáng chưa biết làm sao. Để con lại ở nhà một mình thì không an tâm, mà không chạy ngay ra mua thuốc thì lỡ đến đêm con sốt cao càng lo nữa. Con cứ ngằn ngặt khóc, Tường đang sốt vó lo thì thấy “hàng xóm” đứng từ xa, ngó vào kêu: “Con bịnh hả, có cần gì không, tui giúp”.
Tường như người đuối vớ được cọc, lúc này cô cũng quên hết moị hiềm khích trước kia, nhỏ nhẹ nói: “Chị ra tiệm thuốc ngoài đầu hẻm, mua giùm em ít thuốc trị sốt phát ban cho bé, em ghi lại danh sách nha”.
Thế là chỉ 15 phút sau, người phụ nữ đó mang thuốc về, còn không quên để vitamin C ngay cửa. Cô ấy nói gọn lỏn: “Đang dịch, tui để đây, cô tự ra lấy nghen, nhớ xịt khuẩn”.
Tường cảm ơn rối rít. Đến chiều, con hạ sốt hẳn, những nốt ban phát ra cũng mờ dần. Cô thầm biết ơn người phụ nữ đó. Vậy mà trước kia, hai người từng gây gổ với nhau.
Nhờ cái hôm con ốm sốt, cô mới hiểu hơn về người phụ nữ ấy. (Ảnh minh họa) |
Tới sáng, sau một đêm chăm con mệt, Tường nghe tiếng chuông cửa. Mở ra chẳng thấy ai, cô chỉ thấy một túi có sườn heo, vài con cá nục tươi trong và mấy trái cam treo ngay đó. Mở ra, Tường thấy tờ giấy ghi: “Tui mới được người thân ở quê gửi đồ vô, chia cho cô một ít, cá nục Quảng Ngãi ngon lắm”.
Tường ngó sang bên nhà, thấy người phụ nữ đó đang ngồi xâu cườm cho váy cưới, chắc cô ấy nhận làm thêm mùa dịch. Nhìn túi đồ mà “hàng xóm” cho, Tường xúc động, không ngờ có lúc thế này.
Về sau, tìm hiểu thì Tường mới biết hàng xóm của cô là mẹ đơn thân, đã có một con nhỏ, vì khó khăn nên phải lên Sài Gòn làm lụng kiếm tiền gửi về quê. Dịch bệnh này, cô không thể về, cũng không thể kiếm tiền nữa do tiệm tóc đã nghỉ. Những lúc buồn, nhớ con, người phụ nữ ấy chỉ có thể ngồi nghĩ, hát hò vài câu. Cái hôm ồn ào tổ chức tiệc, cãi nhau với Tường chính là hôm sinh nhật con gái cô ấy. Buồn quá nên người mẹ “tóc xanh đỏ” chỉ có thể rủ bạn bè về chia sẻ.
Tường càng biết thêm về người hàng xóm thì lại càng thương. Cũng may, nhờ có trận ốm này của con mà hai người trò chuyện lại. Tất cả những quan tâm dịp này sẽ xóa nhòa hiềm khích trước đó.
Hôm nay con gái Tường đã khỏe, cô cũng kịp làm ít món ngon. Một lát, cô sẽ đem treo ngay cửa nhà kế bên, coi như lời cảm ơn và cũng là lời xin lỗi. Sau này hết dịch, Tường tin rằng họ có thể đứng lại thật gần, hồ hởi chuyện trò, san sẻ với nhau.
Theo phunuonline.com.vn