Người đàn ông xuất hiện 6 lỗ rò quanh hậu môn chảy dịch mủ cả năm trời
Tưởng mụn nhọt thông thường nên không đi điều trị nhưng chỉ trong 8 tháng, hậu môn của người đàn ông xuất hiện 6 ổ áp xe vỡ, chảy mủ cả năm trời…
Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan Mật Tụy, Bệnh viện Bạch Mai mới phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị rò hậu môn rất phức tạp với 6 lỗ rò ngoài.
Bệnh nhân V.B.T 46 tuổi quê Thái Bình đến khám bệnh vì xuất hiện 6 lỗ rò quanh hậu môn chảy dịch mủ từng đợt 1 năm trước khi nhập viện.
Theo lời người bệnh, khởi đầu xuất hiện ổ áp xe sưng đau phía sau hậu môn, trước xương cụt.
Nghĩ mụn nhọt thông thường nên bệnh nhân chỉ điều trị thuốc kháng sinh. Không ngờ ổ áp xe vỡ ra và sau đó thành 2 lỗ rò ngoài ở phía sau hậu môn ở vị trí 5h và 7h (nếu quy ước lỗ hậu môn là tâm của hình đồng hồ ở tư thế bệnh nhân nằm ngửa).
Khoảng 3 tháng sau, bệnh nhân tiếp tục xuất hiện ổ áp xe sưng đau bên trái hậu môn, ổ áp xe vỡ ra tạo thành 3 lỗ rò ngoài ở 1h, 2h và 3h .
Và 4 tháng tiếp theo bệnh nhân xuất hiện thêm 1 lỗ rò ngoài ở vị trí 10h (bên phải hậu môn).
Lúc này, không thể trì hoãn được nữa, bệnh nhân đến BV Bạch Mai khám và được chỉ định nội soi đại trực tràng và chụp phim cộng hưởng từ tầng sinh môn.
Kết quả chụp phim cho thấy bệnh nhân có đường rò hậu môn hình móng ngựa, có 1 lỗ rò trong ở vị trí 6h, 6 lỗ rò ngoài ở xung quanh hậu môn.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật, kíp mổ do BS Nguyễn Thế Hiệp phụ trách.
Thăm dò đánh giá tổn thương trong mổ, các bác sĩ thấy có đường rò móng ngựa lỗ trong vị trí 6h tương ứng với kết quả chụp MRI, đường rò này đi vòng quanh phía sau hậu môn và vỡ ra da ở 6 lỗ rò ngoài như mô tả ở trên.
Hình ảnh trên phim 6 lỗ rò quan hậu môn của bệnh nhân |
Bệnh nhân được phẫu thuật một thì, cắt đường rò chính mở ngỏ ở vị trí 6h, cắt một phần và dẫn lưu 2 đường rò phụ 2 bên. Sau mổ, bệnh nhân được xuất viện sau 4 ngày, chăm sóc vết mổ tại nhà và rút 2 dẫn lưu sau mổ 1 tháng.
Đáng mừng hơn, khám lại sau mổ 3 tháng kết quả rất tốt. Bệnh nhân không bị đau tức hay khó chịu gì ở hậu môn, các vết mổ đã lành sẹo đẹp, không bị tái phát và mất tự chủ hậu môn.
Rò hậu môn (còn gọi là mạch lươn) là bệnh ở vùng hậu môn trực tràng phổ biến thứ hai sau bệnh trĩ. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó để lại rất nhiều phiền toái cho người mắc, làm ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng sống của người bệnh.
Rò hậu môn (RHM) là hậu quả của sự viêm nhiễm xảy ra tại các tuyến Herrman -Desfosses nằm trong ống hậu môn. Quá trình viêm nhiễm này tạo ra ổ áp xe nằm trong khoang gian cơ thắt hậu môn, từ đây mủ lan ra xung quanh hậu môn và lan ra ngoài da tạo thành các ổ áp xe hậu môn.
Đường rò là hậu quả của một áp xe hậu môn không được điều trị hoặc điều trị không đúng tạo thành. Như vậy RHM và áp xe hậu môn là 2 giai đoạn của một quá trình bệnh lý, áp xe là giai đoạn cấp tính, rò hậu môn là giai đoạn mãn tính.
Theo các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, bệnh RHM nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì kết quả rất tốt. Nếu để muộn đường rò có thể lan rộng ra ngày càng phức tạp hơn, thậm chí tạo ra những ổ áp xe lan rộng vùng hậu môn, trực tràng, tầng sinh môn và ổ bụng gây biến chứng nhiễm khuẩn huyết, tử vong.
Đáng lưu ý, trong các thể bệnh RHM thì rò hình móng ngựa là thể bệnh phức tạp nhất, bởi lẽ: Bản thân định nghĩa và cơ chế bệnh sinh nó đã phức tạp, chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng trước và ngay cả trong khi mổ, thời gian điều trị thường kéo dài, tỷ lệ tái phát và các biến chứng sau mổ cao.
Điều trị phẫu thuật RMN có thể mổ một thì (một lần mổ), hai thì (hai lần mổ) hoặc ba thì (3 lần mổ) tùy thuộc vào độ cao của đường rò chính và độ phức tạp của các đường rò phụ. Việc lựa chọn mổ một hay nhiều thì nhằm đạt được hai yêu cầu chính là khỏi bệnh mà vẫn giữ được chức năng tự chủ hậu môn bình thường.
Xu hướng chính hiện nay là “phẫu thuật một thì” với nhiều ưu điểm vượt trội: rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí, giảm đau nhức và phiền toái cho bệnh nhân.
Qua ca bệnh rò móng ngựa phức tạp, bác sĩ khuyến nghị các bệnh nhân bị bệnh RHM cần khám phát hiện sớm để điều trị triệt để, không nên để muộn, bệnh sẽ tiến triển ngày càng phức tạp và gây khó khăn cho quá trình điều trị.
N. Huyền