Người đàn ông miền Tây có 2 con sở hữu cái tên vô cùng độc lạ, tiết lộ lý do đặt tên đặc biệt
Không chỉ có con trai mang tên độc, con gái thứ hai của ông Hảo cũng sở hữu cái tên độc lạ không kém phần
Tên gọi không chỉ đơn thuần là tên để gọi mà còn là “vận mệnh” đi theo mỗi người đến hết cuộc đời. Vì thế cha mẹ nào cũng vậy, luôn muốn con của mình sở hữu một cái tên thật ý nghĩa, thật đẹp và mang nhiều may mắn. Điển hình như ông Hảo (ngụ Hồng Ngự, Đồng Tháp) đặt tên cho con đều có mục đích riêng, mong muốn con trở thành vĩ nhân…
Ông Hảo vốn là người thích đọc nên hiểu biết rất nhiều về các vĩ nhân trong và ngoài nước. Ông thích nhất cố Chủ tịch nước Cuba – Phidel Castro. Ông bảo bản thân “khoái” vị lãnh tụ Cuba bởi tình tình trung can và nghĩa khí, tư tưởng giỏi giang hơn người. “Hồi chưa có con, tôi luôn hi vọng sau này con được như ngài ấy, không thì chỉ cần bằng một nửa cũng toại nguyện rồi”, người đàn ông miền Tây từng cho hay.
Năm 30 tuổi, ông Hảo lập gia đình rồi người con trai đầu lòng chào đời. Ông hạnh phúc đến ủy ban xã làm giấy khai sinh cho con với cái tên Đỗ Phi ĐenCacstrô. Ông kể: “Lẽ ra tên của con trai tôi phải viết là Phiden Castro mới đúng. Song cán bộ tư pháp không biết phải viết như thế nào nên viết thành Cacstrô. Họ thêm chữ “c” vào nên nhìn mất hay nhưng lúc đó tôi không để ý tới, sau này biết thì không sửa được nữa rồi”.
Cũng theo ông Hảo, vợ ông không hề biết Phidel Castro là ai, chỉ biết đó là một vị lãnh tụ vĩ đại ở nước ngoài. Khi thấy ông cương quyết đặt tên con là vậy bà buộc phải đồng ý với hi vọng sau này con lớn khôn thành tài là vui!
Từ lúc khai sinh cho con, vợ chồng ông Hảo đã gọi tên con trai theo đúng tên gốc “Các trô”. “Ban đầu bà con hàng xóm ai cũng tò mò rồi bàn tán xôn xao về cái tên của con trai tôi. Tôi kệ để họ nói chán thì thôi, dần dần cũng quen. Thậm chí có người cũng gọi nó là “Các trô” nhưng không hề biết cái tên này có ý nghĩa gì”, ông Hảo tâm sự.
Sinh ra với cái tên độc và vô cùng ý nghĩa, con trai của ông Hảo nay đã trưởng thành và có thành tựu đáng kể để cha tự hào. Anh tâm sự lúc nhỏ không mấy bận tâm đến tên “Các trô” của mình cho lắm. Song đến lớp 3, thầy cô giáo thắc mắc – bạn bè tò mò nhiều thì anh mới biết cái tên của mình thật lạ. Anh đã đem nỗi băn khoăn về cái tên để hỏi cha.
“Ba đã kể cho mình nghe về vị lãnh tụ vĩ đại ấy và bày tỏ ước nguyện muốn gửi gắm tất cả ước mơ của ba vào mình. Khi lớn lên, mình đã tự tìm sách báo để đọc về ông Phidel Castro và vô cùng thích cũng như tự hào tên của mình”, chàng trai nói.
Không chỉ có con trai mang tên độc, con gái thứ hai của ông Hảo cũng sở hữu cái tên độc lạ không kém phần – Đỗ Thị Ty Sô. Ông kể ông nhớ mang máng tên đó đọc trong một tác phẩm văn học Pháp. Vì thấy hay nên ông quyết định đặt cho con gái.
Nhắc đến việc đặt tên lạ cho các con có phạm luật hay không, ông Hảo khẳng định: “Điều 26 Bộ luật Dân sự quy định “Công dân có quyền đối với họ, tên. Họ tên của một người được xác định theo tên khai sinh của người đó”. Còn đối với đăng ký khai sinh trong nước, luật không có quy định nào về vấn đề đặt tên con. Như vậy luật không cấm thì tôi có quyền đặt tên con tùy ý”.
Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Quyền có họ, tên 1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. 2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng. Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. 3. Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. 4. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình. 5. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. |
Theo phununews.nguoiduatin.vn