Người đàn ông ngưng tim 60 phút, hôn mê sâu hồi tỉnh sau 12 giờ
Bệnh nhân N.V.N (64 tuổi, trú tại Hậu Giang) đã may mắn thoát chết trong gang tấc nhờ sự cấp cứu kịp thời của các bác sĩ.
Theo người nhà, ông N. có tiền sử tăng huyết áp, hẹp mạch vành và vẫn uống thuốc đều đặn. Trước khi vào viện ông N. xuất hiện cơn đau ngực.
ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường – Trưởng khoa Nội Tim mạch - BV Đột quỵ và Tim mạch Cần Thơ cho biết khi vào viện bác sĩ đã tiến hành điện tâm đồ biểu hiện nhồi máu cơ tim thành dưới, xét nghiệm kèm theo có dấu hiệu tăng men gan tim.
Bệnh nhân cũng được chụp động mạch vành xem có tắc nghẽn mạch máu hay không thì thấy hẹp mạch máu lan toả. Bệnh nhân có dấu hiệu co thắt mạch máu. Bác sĩ đã sử dụng thuốc giãn mạch bơm vào mạch vành. Sau bơm thuốc mạch máu nở ra chỉ còn hẹp một chút.
Bệnh nhân được hội chẩn với nhiều chuyên gia và bác sĩ đã quyết định hội chẩn ngưng thủ thuật và tiến hành hồi sức tiếp tục cho bệnh nhân, bệnh nhân bắt đầu ổn định tim, giảm đau ngực, khó thở.
Sau 30 phút bệnh nhân chuyển ra ngoài phòng can thiệp lại lên cơn đau ngực dữ dội với tình trạng rối loạn nhịp phức tạp, loạn nhịp thất, rung thất… các bác sĩ gây mê hồi sức nhanh chóng tiến hành hồi sức cho bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa I Lưu Thị Phương – Trưởng khoa Hồi sức tích cực ICU, bệnh viện Đột quỵ và Tim mạch Cần Thơ cho biết bệnh nhân vừa can thiệp, vừa chụp mạch vành và chuyển qua ICU. Khi vào ICU mạch của bệnh nhân chậm lại. 15 phút sau bệnh nhân có triệu chứng gồng người và ngưng tim.
Bác sĩ khoa ICU đã tiến hành đặt nội khí quản và hồi sức tim phổi cho bệnh nhân. BS Phương cho bết các bác sĩ phải sốc tim trong suốt 60 phút bệnh nhân mới có nhịp tim trở lại nhưng huyết áp vẫn tụt.
Bác sĩ tiếp tục sử dụng thuốc vận mạch cho bệnh nhân trong suốt 12 giờ sau đó. Tuy nhiên, sau cấp cứu 60 phút bệnh nhân có nhịp tim lại nhưng vẫn giãn đồng tử, huyết áp tụt, hôn mê sâu.
60 phút sau bệnh nhân có biểu hiện cử động tay chân nhưng đồng tử vẫn giãn. Bác sĩ cho sử dụng thuốc chống loạn nhịp, thuốc vận mạch duy trì huyết áp và 12 giờ sau bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn.
Sau 24 giờ bệnh nhân được rút ống thở nội khí quản và cai máy thở. Bệnh nhân không có dấu hiệu tổn thương não, cơ quan khác.
BS Phương cho biết thêm, với trường hợp của bệnh nhân này, sau can thiệp bệnh nhân cần phải ngưng hút thuốc, tuân thủ các bước điều trị dự phòng tiếp theo và cần tái khám định kỳ để các bác sĩ theo dõi sức khỏe, phòng nhận biết sớm các tình trạng nguy hiểm khác.
Theo TS BS Trần Chí Cường -Giám đốc Bệnh viện Tim mạch và Đột quỵ Cần Thơ với người bệnh có các bệnh lý đi kèm như hẹp mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường hết sức cẩn trọng với cơn nhồi máu cơ tim.
BS Cường cho rằng việc tầm soát nhồi máu cơ tim phức tạp hơn nhưng hoàn toàn có thể tầm soát được nguy cơ.
Hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thực hiện khám sức khoẻ định kỳ thường xuyên từ 1 đến 2 lần/năm. Thông qua các xét nghiệm như chỉ số lipid máu, chỉ số đường huyết, chỉ số men gan… để đánh giá chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
Nếu có các bệnh lý trên sẽ điều trị kịp thời phòng ngừa các nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não trong tương lai.
Ngoài ra, đo nhịp tim, điện tâm đồ cũng có thể nghi ngờ bệnh mạch vành khi đo điện tim đồ lúc gắng sức để xác định tỷ lệ hẹp của mạch vành. Siêu âm tim để phát hiện bệnh lý của màng tim, tim.
Bác sĩ Cường khuyến cáo, khi có các triệu chứng như mệt, nặng ngực, đổ mồ hôi lạnh, nôn ói, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất, đặc biệt là cơ sở y tế có cấp cứu chuyên khoa, để bác sĩ đánh giá xác định có gặp phải cơn nhồi máu cơ tim hay không.
Vì khi nhồi máu cơ tim cấp, việc can thiệp nhanh sẽ giúp ích rất lớn cho bệnh nhân tránh những biến chứng xấu.
Khánh Chi