Người dân ở 10 quốc gia này được khuyến khích làm "chuyện ấy"
![]() |
Các nhà nhân khẩu học cho rằng một quốc gia cần có tỷ lệ sinh sản hợp lý thì mới đạt được sự cân bằng giữa số trẻ mới sinh và những người già đã ra đi. Tuy nhiên, vì những bắt buộc về văn hóa và kinh tế nhất định, chỉ khoảng 50% trong số 224 quốc gia trên thế giới hiện đạt được tỷ lệ này.
Với những quốc gia không đạt tỷ lệ cân bằng trên, khuyến khích mọi người sex nhiều hơn là hướng để giải quyết vấn đề.
Dưới đây là 10 quốc gia người dân được khuyến khích sex càng nhiều càng tốt, theo tờ Independent (Anh).
Đan Mạch
Đất nước Bắc Âu nhỏ bé này có tỷ lệ sinh khá thấp, chỉ khoảng 1,73 con/phụ nữ. Do vậy, chính phủ Đan Mạch đã đưa ra khá nhiều sáng kiến thuyết phục phụ nữ mang thai và sinh con.
Trước đây, một công ty du lịch Đan Mạch đã tung ra một video vui nhộn có tên là "Do it for Mom" (tạm dịch: Hãy làm điều này vì Mẹ), nội dung khuyến khích các cặp đôi đi du lịch và quan hệ nhiều hơn để "sản xuất" ra các em bé.
Nga
Nga cũng đang trải qua những bất ổn trong tỷ lệ sinh đẻ. Nhiều nam giới ở đây mất sớm. HIV/AIDS và chứng nghiện rượu đang khiến nhiều người tử vong. Trong khi đó, phụ nữ lại không thích có con.
Trước vấn đề đã và đang trở nên ngày càng tệ, năm 2007 Nga đã tuyên bố lấy 12/9 là Ngày Mang thai chính thức của đất nước.
Vào ngày này, mọi người dân sẽ không phải đi làm, họ nghỉ ở nhà để tập trung vào việc có thêm em bé. Những phụ nữ sinh con đúng 9 tháng sau, tức vào ngày 12/6, sẽ được thưởng một chiếc tủ lạnh.
Nhật Bản
Tỷ lệ sinh của Nhật đã thấp hơn tỷ lệ tử vong kể từ năm 1975. Để xóa nhòa xu hướng này, năm 2010, một nhóm các sinh viên trường Đại học Tsukuba, đã giới thiệu Yotaro, một em bé robot để các cặp vợ chồng trải nghiệm trước thời kỳ làm cha mẹ.
Các sinh viên cho biết nếu cặp vợ chồng nào bắt đầu nghĩ về việc có con và trở thành bố, mẹ, họ sẽ cảm thấy có tình cảm gắn bó để sẵn sàng mang thai thực sự.
Romania
Những năm 1960 là khoảng thời gian khủng hoảng với các cặp vợ chồng ở Romania. Tăng trưởng dân số bị san bằng, buộc chính phủ phải áp đặt 20% thuế thu nhập cho những cặp vợ chồng không có con và thực hiện các điều khoản khiến việc ly hôn gần như không thể xảy ra.
Ý tưởng là: nếu bạn không đóng góp cho đất nước các công dân tương lai, bạn sẽ phải đóng góp bằng tiền.
Tuy nhiên, đến thập niên 1980 mọi việc vẫn không tốt lên mấy. Phụ nữ phải đối mặt với các kỳ khám phụ khoa bắt buộc để đảm bảo họ đủ khả sức khỏe mang thai.
Năm 1989, Romania có sự thay đổi trong lãnh đạo, chính sách đó cũng đã được xóa bỏ. Song hiện nay, tỷ lệ sinh của phụ nữ vẫn chỉ là 1,31, một tỷ lệ chưa đủ để bù lại tỷ lệ tử vong.
Singapore
Singapore có tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới, chỉ 0,81 trẻ em/phụ nữ. Vào 8/9/2012, chính phủ Singapore đã tổ chức National Night, một sự kiện nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng "bùng nổ lòng yêu nước".
Singapore đưa ra ý tưởng các căn hộ nhỏ một phòng ngủ, khuyến khích các cặp vợ chồng thuê những căn hộ này để họ sống cùng nhau, và sinh con. Mỗi năm, chính phủ chi khoảng 1,6 tỷ USD vào các chương trình nhằm tạo điều kiện cho mọi người sex nhiều hơn.
![]() |
Hàn Quốc
Vào ngày thứ Tư thứ ba của mỗi tháng, các văn phòng Hàn Quốc lại tắt đèn lúc 7 giờ tối, bởi vì đó là Ngày Gia đình.
Với việc tỷ lệ sinh của Hàn Quốc chỉ là 1,25 con/phụ nữ, đất nước này áp dụng mọi biện pháp có thể để tăng cường đời sống gia đình, trong đó có cả thưởng tiền cho những ai có nhiều hơn 1 đứa con.
Ấn Độ
Ấn Độ cũng có vấn đề với việc sinh đẻ. Tỷ lệ của đất nước này là 2,48 trẻ/phụ nữ, cao hơn hẳn tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, dân số cộng đồng Parsis của Ấn Độ đang giảm, từ mức gần 114.000 người năm 1941 xuống chỉ còn 61.000 năm 2001.
Vấn đề đã dẫn đến một loạt các chiến dịch quảng bá vào năm 2014, trong đó có chiến dịch "Be responsible, don't use a condom tonight" (tạm dịch: Hãy có trách nhiệm hơn, tối nay không sử dụng bao cao su).
Italy
Với tỷ lệ sinh là 1,43, thấp hơn so với mức trung bình của châu Âu là 1,58, Italy đã có nhiều chiến dịch gây tranh cãi để khuyến khích công dân có thêm con.
Italy đã chạy những chiến dịch quảng bá, nhắc nhở người dân Italia rằng thời gian có thể sắp hết và trẻ em không thể đến từ đâu ngoài "chuyện ấy".
Hong Kong
Với tỷ lệ sinh là 1,18/phụ nữ, Hong Kong đối mặt với thách thức tương tự như nhiều nước công nghiệp khác: không đủ người trẻ để thay thế các công dân già, dân số ngày càng co lại và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Năm 2013, Hong Kong đã phải đề nghị đưa tiền mặt cho các cặp vợ chồng để khuyến khích họ có thêm con. Ý tưởng này bắt nguồn từ Singapore, ở đó, các bố mẹ được nhận thưởng khoảng 4.400 USD khi sinh 2 con đầu tiên, và thêm 5.900 USD cho con thứ ba và thứ tư.
Nhưng ở Hong Kong, kế hoạch này đã không thành hiện thực.
Tây Ban Nha
Tỷ lệ sinh ở Tây Ban Nha ngày càng thấp trong khi tỷ lệ thất nghiệp lại tăng: khoảng một nửa người trẻ ở đây không có việc làm.
Để chống lại xu hướng đáng lo ngại này, chính phủ Tây Ban Nha đã thuê một ủy viên đặc biệt, Edelmira Barreira, vào tháng 1/2017. Nhiệm vụ đầu tiên của cô là tìm ra nguyên nhân của các xu hướng này và đề ra chiến lược vĩ mô để đảo ngược tình thế.