Người dân nông thôn Trung Quốc không còn dám ‘đông con nhiều cháu’
Chi phí kết hôn và nuôi con tăng cao khiến nhiều người ở nông thôn Trung Quốc không còn tư tưởng "đông con nhiều cháu".
Sinh năm 1979 tại một ngôi làng xa xôi hẻo lánh ở tỉnh Giang Tây của Trung Quốc, anh Liang Du là con út trong số 7 anh chị em và cũng là con trai duy nhất trong nhà. Vào thập niên 70, đối với các gia đình ở nông thôn Trung Quốc như nhà anh Liang, nhà nào có đông con mà nhất là con trai được coi là càng hạnh phúc. Nhưng trong 40 năm qua, tư tưởng sinh con của người dân Trung Quốc đã có sự thay đổi lớn.
Chia sẻ với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), anh Liang cho hay anh có tất cả 7 người cháu trai nay đã trưởng thành. Họ đều rời bỏ quê hương để tới sống tại các thành phố và đô thị lớn. Người rời đi để học tập, người đi lấy vợ. Nhưng tất cả họ đều đang chọn mô hình “gia đình nhỏ” vì chi phí nuôi dạy một đứa trẻ hiện quá đắt đỏ. Theo đó, 4 cháu trai của anh Liang đã sinh 2 người con, nhưng 3 cháu còn lại chỉ sinh 1 con.
Chính phủ Trung Quốc khuyến khích người dân sinh thêm con sau khi tỷ lệ sinh đẻ liên tiếp sụt giảm. (Ảnh: Reuters) |
“Hiện nay, chi phí cho đám cưới và sinh con lớn hơn rất nhiều so với mức thu nhập trung bình của người trẻ tuổi kể cả bạn sống ở nông thôn hay thành thị”, anh Liang nói thêm, chính 6 người chị gái đã giúp đỡ để anh được học Đại học và thậm chí còn hỗ trợ tiền để anh mua một căn hộ.
“Nếu gia đình nào muốn có thêm con, họ buộc phải tìm việc làm trên thành phố và bỏ lại các con ở quê. Nhưng chính những người trẻ tuổi ở nông thôn cũng từng là những đứa trẻ bị ‘bỏ lại phía sau’ nên họ không muốn con mình chịu cảnh tương tự”, anh Liang nhắc tới những đứa trẻ ở vùng nông thôn bị bố mẹ bỏ lại với ông bà hoặc họ hàng để lên thành phố kiếm sống.
Vào cuối những năm 1970, 17% dân số Trung Quốc sống ở đô thị, nơi tỷ lệ sinh đẻ là khoảng 3 trẻ/phụ nữ. Nhưng ngày nay, hơn 60% dân số Trung Quốc sống ở các thành phố lớn và tỷ lệ sinh giảm xuống còn 1,3 trẻ/phụ nữ.
Các nhà nhân khẩu học Trung Quốc cảnh báo quốc gia này đang đối mặt với sự già hóa dân số nhanh chóng và thiếu hụt nguồn nhân lực. Điều này có thể dẫn tới sụt giảm năng suất lao động, đặt gánh nặng cho hệ thống hưu trí và đe dọa mô hình tăng trưởng kinh tế trong tương lai dựa vào sức tiêu dùng của chính phủ Trung Quốc
Dù dân số Trung Quốc gia tăng trong năm 2020, nhưng tỷ lệ sinh được xác nhận sụt giảm 4 năm liên tiếp từ con số 18 triệu trẻ năm 2016 xuống còn 12 triệu trẻ vào năm ngoái.
Từ thực tế đáng quan ngại, chính quyền Bắc Kinh đã cho sửa đổi chính sách 2 con và cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ 3. Trên thực tế, trước khi chính sách 2 con được ban hành, các gia đình ở nông thôn Trung Quốc đã được phép sinh con thứ 2, nếu như con đầu là con gái. Các cặp đôi ở thành phố cũng được phép sinh 2 con, nếu như họ là con một trong nhà.
Tâm lý ngại sinh con
Chuyên gia nhân khẩu Huang Wenzheng cho hay tỷ lệ sinh con đối với những người trẻ ở vùng nông thôn đã giảm mạnh và thậm chí là còn giảm nhiều hơn so với đồng lứa sống ở thành thị. Trong quá khứ, tỷ lệ sinh con ở mức cao tại vùng nông thôn có thể bù đắp cho tỷ lệ sinh thấp ở thành phố, nhưng nay chuyện này không còn.
Bởi theo ông Huang, trong quá trình đất nước phát triển, nhiều thanh niên sinh ra ở nông thôn đã di chuyển và dành thời gian sống nhiều hơn ở thành phố. Họ cũng phải chịu áp lực tương tự như những người sinh trưởng ở đô thị. Nói cách khác, họ phải đối mặt với sức ép tài chính như người thành phố.
“Ngay cả ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc có tư tưởng thích sinh thêm con, tỷ lệ sinh hiện vẫn thấp hơn so với Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Huang nói thêm.
Trong đó, chi phí cho giáo dục đang ngày càng cao nhất là khi nhiều trường học ở nông thôn buộc phải đóng cửa, do dân số sống ở khu vực sụt giảm mạnh. Chuyện này khiến nhiều phụ huynh ở nông thôn phải xin học cho con em tại các trường ở thành phố và kéo theo chi phí cho giáo dục tăng cao. Đây cũng là lý do khiến nhiều cặp vợ chồng không dám sinh thêm con.
Một trở ngại khác là thủ tục hành chính mà cụ thể là quyển sổ hộ khẩu. Tất cả công dân Trung Quốc đều cần tới sổ hộ khẩu để được quyền tiếp cận các dịch vụ công dựa theo thông tin quê quán. Những lao động di cư có hộ khẩu ghi nơi sinh ở quê, điều này có nghĩa họ bị giới hạn quyền tiếp cận các dịch vụ công ở thành phố mà họ chuyển tới sống và làm việc. Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc cũng đã có những chính sách nhằm giảm bớt mối liên hệ giữa hộ khẩu và dịch vụ công ở thành phố để hỗ trợ lao động di cư.
“Tôi cho rằng, tỷ lệ sinh đẻ sụt giảm không chỉ xảy ra ở thành phố, mà còn cả ở nông thôn. Nguyên nhân là chi phí cho hôn nhân và nuôi con hiện quá cao đối với người trẻ tuổi”, bà Mandy Zhou, người quản lý một trường mầm non tư thục ở huyện miền núi của tỉnh Giang Tây nói.
“Các trường mầm non công lập thường có mức học phí là 6.000 nhân dân tệ (939 USD) một năm, trong khi trường tư là 10.00 nhân dân tệ. Giá nhà ở địa phương là khoảng 6.000 nhân dân tệ/m2. Nhưng hàng tháng, người trẻ ở địa phương chỉ kiếm được từ 2.000 – 3.000 nhân dân tệ. Của hồi môn trong đám cưới có giá từ 160.000 – 200.000 nhân dân tệ kèm theo một căn hộ để vợ chồng trẻ sinh sống. Ngày càng ít người trẻ mà đặc biệt là phụ nữ sẵn lòng ở lại làng quê để trông con”, bà Mandy cho hay.
Cô Tan Biao, một lao động di cư từ huyện Nhân Hóa của tỉnh Quảng Đông và là mẹ của 2 đứa trẻ, cho hay “trong làng, 60% cặp vợ chồng ngoài 30 tuổi sinh 2 con, phần còn lại chỉ có 1 con, số gia đình có từ 3 con là rất ít”.
“Tôi và chồng tới thành phố Đông Hoản để kiếm sống và 2 đứa con mới 6 và 13 tuổi phải ở lại quê với ông bà. Chi phí nuôi bọn trẻ là khoảng 35.000 nhân dân tệ/năm. Tôi rất buồn vì không thể ở bên các con. Nhưng nếu chúng tôi mang con đi cùng, chúng tôi sẽ phải cho con đi học trường tư và phải thuê căn nhà rộng hơn, lúc này chi phí sống sẽ tăng gấp 2 – 3 lần”, cô Tan nói.
Suất ưu tiên mua nhà ở xã hội tại thủ đô Trung Quốc cho vợ chồng có từ 2 con
Một quận ở thủ đô Bắc Kinh ưu tiên suất mua nhà ở xã hội cho các cặp đôi có từ 2 con nhỏ trở lên.
Minh Thu (lược dịch)