Ngôi trường có 2.000m2 đất cho học sinh trồng hàng tấn rau xanh
Hơn 400 học sinh bán trú cùng nhau trồng hơn 2 tấn rau mỗi học kỳ để cải thiện bữa ăn, lấy tiền gây quỹ lớp.
Nằm cách TP Thanh Hóa khoảng 200km, học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Trung Lý, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) mỗi học kỳ đều tự trồng rau bán cho nhà trường để phục vụ bữa ăn bán trú và lấy tiền mua sắm máy giặt, gây quỹ lớp.
Mỗi học kỳ học sinh Trường PTDTBT THCS Trung Lý, huyện biên giới Mường Lát trồng được hơn 2 tấn rau xanh. |
Theo tìm hiểu của PV, mô hình học sinh bán trú trồng rau sạch được trường Trung Lý triển khai năm 2013 từ những mảnh đất trống ven trường và khu đất trống sau trường. Nhà trường đã phân công mỗi lớp trồng một luống rau xanh với đủ các loại rau như cải, đậu, muống… để gây quỹ lớp cũng như cải thiện bữa ăn cho chính các em.
Đang loay hoay chăm sóc rau cùng bạn, em Giàng Thùy Linh (lớp 9A) cho biết: “Việc trồng rau vui lắm ạ! Sau mỗi giờ học trên lớp căng thẳng thì chúng em lại cùng nhau chăm sóc cho những luống rau xanh tốt của lớp mình. Chúng em cũng phân chia công việc cho từng bạn như xới đất, nhổ cỏ, tưới rau”.
Thầy Đoàn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trung Lý cho hay, toàn trường có 13 lớp học với 486 học sinh chủ yếu là người dân tộc Mông và Thái. Trong đó, có 417 học sinh ở lại bán trú tại trường do khoảng cách từ nhà tới trường xa 10-50km.
“Mô hình trồng rau xanh do nhà trường phối hợp với đoàn, đội phát động vào năm 2013 và giao cho các lớp, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh trồng, chăm sóc rau xanh. Sau khi thu hoạch rau xanh được nhà trường thu mua lại phục vụ cho bếp ăn bán trú với giá 10.000 đồng/kg để các lớp lấy quỹ hoạt động”, thầy Sơn nói.
Cũng theo thầy Sơn thì toàn trường có khoảng hơn 2.000m2 đất để trồng rau, chủ động cung cấp rau xanh 7 tháng trong một năm học, mỗi học kỳ cho thu hoạch khoảng 2,3 tấn rau xanh.
Chiếc máy giặt được mua bằng tiền quỹ trồng rau, nuôi lợn của học sinh. |
Được biết, trước đây nhà trường còn nuôi lợn lấy quỹ mua đồ dùng cho học sinh nhưng từ năm 2019 do ảnh hưởng của bão số 3, chuồng lợn bị sạt lở nên việc chăn nuôi dừng lại.
Việc học sinh trồng rau xanh cải thiện bữa ăn là một mô hình thiết thực, cũng là môn học ngoại khóa rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh bán trú nơi đây.
Xúc động hình ảnh ngôi trường duy nhất 1 thầy 1 trò
Với mong muốn giúp học sinh thoát nghèo, người thầy giáo già quyết trụ lại trường chỉ để dạy học cho duy nhất một cậu bé.
Trần Nghị