Nghị sĩ Ukraine ‘hối tiếc’ khi từ bỏ vũ khí hạt nhân
Phát biểu trên kênh truyền hình Ukraine 24, ông David Arakhamia, người đứng đầu đảng Người phụng sự nhân dân của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã gọi việc từ chối quy chế hạt nhân của nước này là một “sai lầm chết người”.
Theo ông Arakhamia, việc ký bản ghi nhớ Budapest là một trong những thiếu sót chiến lược nghiêm trọng nhất của Tổng thống đầu tiên của Ukraine Leonid Kravchuk. Ông Arakhamia nói thêm rằng, hậu quả của việc từ bỏ vũ khí hạt nhân vẫn được phản ánh trong quan hệ của các cường quốc hàng đầu với Ukraine.
Nghị sĩ David Arakhamia, người đứng đầu đảng Người phụng sự nhân dân của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky. (Ảnh: RIA) |
“Nếu chúng tôi là một cường quốc hạt nhân, mọi người sẽ nói chuyện với chúng tôi theo cách khác. Chúng tôi có thể nắm quyền toàn thế giới và sẽ được cấp tiền để hoạt động, như hiện nay nó đang xảy ra ở nhiều quốc gia khác”, ông Arakhamia nói với vẻ tiếc nuối.
Theo báo cáo, sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine được thừa hưởng một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ với 1.700 đầu đạn hạt nhân, 176 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và 44 máy bay ném bom chiến lược.
Bản ghi nhớ Budapest được ký kết vào ngày 5/12/1994 bởi các nhà lãnh đạo của Nga, Ukraine, Mỹ và Vương quốc Anh. Theo đó, Ukraine hủy bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân thời Liên Xô lớn thứ ba thế giới tại thời điểm đó để đổi lấy sự đảm bảo của quốc tế về sự độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ sẽ được tôn trọng.
Bên cạnh đó, Kiev phải từ bỏ tất cả kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân và tham gia vào Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trên thực tế, cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk trong một cuộc phỏng vấn cách đây không lâu cho biết, hầu như không có cơ hội để làm khác, mặc dù vũ khí hạt nhân sẽ thực sự giúp kiềm chế thế lực xâm lược từ phương bắc, và bây giờ, nếu bị gây hấn, nước này không có gì để đáp trả.
Thời hạn tồn tại về mặt kỹ thuật của các đầu đạn hạt nhân kết thúc vào năm 1997 và phải thay đầu đạn mới. Ukraine không sản xuất đầu đạn hạt nhân, (chúng được chế tạo tại Nga) và không thể mua chúng, trong khi Yeltsin bắn tin rằng, sau năm 1997, Nga sẽ không nhận về lãnh thổ của mình các đầu đạn nguy hiểm. Ukraine không thể vừa mới được độc lập ngay lập tức trở thành mối đe dọa đối với châu Âu và thế giới vì tiềm năng hạt nhân không thể kiểm soát.
Theo Military Watch, ngành công nghiệp hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Ukraine đã mất đi nhiều nhà khoa học quan trọng khi họ chạy theo các đề nghị hấp dẫn hơn ở nước ngoài và tình trạng cơ sở hạ tầng cũng như nền kinh tế của nước này khiến một chương trình như vậy khó được theo đuổi.
Trước đó, Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnik kêu gọi phương Tây tăng cường viện trợ quân sự cho nước này trước bối cảnh leo thang xung đột ở miền đông. Theo ông Melnik, nếu Ukraine không trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nước này sẽ buộc phải tự trang bị vũ khí và “có lẽ cũng phải suy nghĩ lại về tình trạng hạt nhân”.
Người đàn ông không được phép nhập cảnh vào Nga vì tên quá dài
Một người dùng mạng xã hội Reddit với nickname UncleVoldy đã chia sẻ câu chuyện hy hữu xảy ra cách đây một năm rưỡi.
Thanh Bình (lược dịch)