Nghị sĩ Anh cáo buộc Đức 'lừa dối' châu Âu và kêu gọi ngừng hợp tác với Nga
Daily Express đưa tin, nghị sĩ của đảng Bảo thủ Anh, ông Daniel Kawczynski lên tiếng cáo buộc Đức “lừa dối” châu Âu vì hợp tác với Nga trong dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream-2).
Tuyên bố của chính trị gia này đưa ra trong bối cảnh liên quan đến bản dự luật mới của Mỹ đề xuất trừng phạt dự án đường ống khí đốt của Nga.
Theo các chính trị gia, thay vì bằng lòng với những “mẩu tin vụn vặt từ chính sách năng lượng” của ông Vladimir Putin dẫn đến làm suy yếu an ninh quốc gia, người châu Âu nên theo gương của Ba Lan và tìm kiếm các nhà cung cấp năng lượng thay thế.
Được biết, dự luật về các biện pháp hạn chế đối với “Dòng chảy phương bắc-2” trước đó đã được trình lên Thượng viện Mỹ. Dự luật này đề xuất áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty bảo hiểm, tham gia bảo hiểm cho các tàu thi công lắp đặt đường ống dẫn khí đốt nói trên.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2. (Ảnh: Reuters) |
Theo Daily Express, nghị sĩ Daniel đã cáo buộc Đức “lừa dối” Châu Âu vì đã ký kết một “thỏa thuận gây tranh cãi” với Moscow trong lĩnh vực năng lượng. Đồng thời, theo ông Daniel chỉ còn 6 tháng nữa là kết thúc thời kỳ chuyển tiếp đối với Brexit, trong khi không có gợi ý nào về sự đột phá trong các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do rộng rãi giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài ra, ông Daniel cho biết, ông đã thảo luận về các biện pháp hạn chế nhằm vào dự án của Nga với Thủ tướng Anh Boris Johnson từ năm ngoái và cả đầu năm nay, kêu gọi chính phủ cần lập tức “hành động”, vì lý do an ninh quốc gia và nền kinh tế. Tuy nhiên, các bộ trưởng nói với ông rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương là không thể áp dụng trong giai đoạn quá độ này, và hiện nay Anh vẫn phải tuân theo chế độ trừng phạt của Brussels.
“Vì lợi ích của các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt là những nước đang ở tuyến đầu tại Đông Âu, chúng ta giành lại quyền kiểm soát chính sách đối ngoại, tăng cường lệnh trừng phạt cùng với Mỹ và đảm bảo rằng dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” không bao giờ có thể hoàn thành được”, ông Daniel cho biết.
Ông Daniel nói thêm, số phận của nhiều quốc gia phụ thuộc vào điều này, vậy nên hiện nay, khi Anh đã rời khỏi EU, họ nên “bước lên sân khấu và chôn vùi đường ống đó một lần và mãi mãi”.
“Thật khó mà đánh giá hết được quy mô của sự phản bội mà đường ống này gây ra. Đồng thời, Đức là thành viên của NATO, nước đã cam kết trung thành (trên văn bản) với nghĩa vụ bảo vệ lục địa châu Âu khỏi sự can thiệp và ảnh hưởng tiềm tàng mà Nga có thể gây ra”, ông Daniel nói.
Theo nghị sĩ Daniel, mỗi euro mà Đức chi cho việc nhập khẩu khí đốt của Nga là tiền có thể được sử dụng để đa dạng hóa năng lượng cho châu Âu.
Ông Daniel nhấn mạnh, sức mạnh ngành công nghiệp của Đức với mạng lưới năng lượng do ông Putin gây dựng, khiến cho Đức trở thành một trong những thành viên quan trọng nhất của EU chịu ảnh hưởng từ Nga. Châu Âu nên “giảm thiểu lỗ hổng chiến lược của mình” có nghĩa là giảm mức tiêu thụ các sảm phẩm năng lượng của Nga.
Đồng thời, theo ông Daniel, bản thân là người Ba Lan và là chủ tịch của nhóm nghị sĩ về các vấn đề của đất nước. Ông coi quê hương nhỏ bé của mình là một ví dụ điển hình về cách tiệp cận năng lượng của Nga. “Điều này có thể đạt được, Ba Lan đã cho thấy cách mà họ thực hiện. Thay vì đấu tranh để nhận nguồn năng lượng từ Nga, Warsaw đã đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế”, nghị sĩ Daniel nhớ lại.
Trước đó, phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức cho biết trong cuộc họp báo, Berlin đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Mỹ xung quanh dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”. Lập trường của Đức liên quan đến các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ vẫn không thay đổi: Berlin bác bỏ các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.
“Chúng tôi đang quan sát sự phát triển xung quanh dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”, kể cả ở Mỹ. Chúng tôi không bình luận về điều này. Quan điểm và nguyên tắc của chúng tôi về các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ cũng rất rõ ràng. Chúng tôi không công nhận các biện pháp đó”, thông báo cho biết.
Đường ống “Dòng chảy phương Bắc-2” liên quan đến việc xây dựng hai tuyến đường ống dẫn khí đốt có tổng công suất 55 tỉ mét khối khí mỗi năm. Đường ống sẽ đi qua lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. Dự án trị giá 11 tỉ USD, một nửa do Tập đoàn Gazprom của Nga tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell). Dự kiến tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức.
Thanh Bình (lược dịch)