Nghệ An: Thành lập đội bắt chó thả rông không tiêm phòng, ngăn ngừa bệnh dại
![]() |
Nghệ An sẽ thành lập các đội bắt chó thả rông. (Ảnh minh họa). |
Trước tình hình bệnh dại đang diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 708/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn giai đoạn 2018-2021.
Theo đó, việc tổ chức nuôi chó bằng việc lập các danh sách hộ nuôi chó, thống kê số lượng chó nuôi trong từng hộ gia đình, nắm diễn biến để tiêm phòng vắc xin dại. Chủ nuôi chó phải khai báo việc nuôi cho với tổ trưởng dân phố, xóm trưởng, trưởng thôn.
UBND cấp huyện, xã triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó vào tháng 4-5 hàng năm, huy động các nguồn lực, lực lượng tại chỗ tổ chức tiêm đại trà, tạo miễn dịch quần thể tốt cho đàn chó…
Bên cạnh đó, kiện toàn và mở rộng số lượng các điểm tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại, phục vụ công tác điều trị dự phòng, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Các địa phương tổ chức các biện pháp tuyên truyền rộng rãi, phát đi các thông điệp về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng chống bệnh và những kiến thức cơ bản về bệnh dại.
Đặc biệt, sẽ đưa chỉ tiêu kết quả phòng chống bệnh dại vào tiêu chí đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của UBND cấp xã; xử lý các cá nhân, tổ chức không chấp hành việc tiêm vắc xin dại cho chó theo quy định. Tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin dại cho 100% cho nuôi trên địa bàn.
Kiên quyết xử lý các trường hợp chó hoang, thả rông, vô chủ, chó không tiêm phòng, giám sát chặt chẽ diễn biến đàn chó mèo tại địa phương. Thành lập đội bắt chó thả rông và diệt chó nghi mắc bệnh dại, chó không tiêm phòng dại theo quy định.
UBND tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ kinh phí tiêm phòng cho đối tượng người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao (như đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn); tiêm vắc xin miễn phí dự phòng trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao như cán bộ làm công việc lấy bệnh phẩm, viêm vắc xin dại cho chó.
Năm 2016, bệnh dại đã xảy ra tại 28 tỉnh, thành phố (tập trung tại các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc) làm 91 người chết, 411.937 người phải đi điều trị dự phòng; riêng trong 5 tháng đầu năm 2017 đã có 23 người tử vong do bệnh dại tại 12 tỉnh, thành phố.
Mầm bệnh lây truyền dại cho người chủ yếu từ chó nuôi và khi đã bị chó dại cắn mà không đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng thì chắc chắn sẽ tử vong.
Nghệ An là tỉnh có bệnh dại lưu hành nhiều năm nay và là một trong những tỉnh có số người tử vong cao do bệnh dại (năm 2013: 10 người, 2014: 10 người, 2015: 11 người, năm 2015: 16 người và 8 tháng đầu năm 2017: 5 người). Toàn bộ các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tư vấn và tiêm Vắc xin/kháng huyết phòng bệnh dại.