Nghệ An bỏ lệnh cấm biển, mưa lũ khiến 3 người chết và mất tích, hơn 7.000 nhà dân bị ngập
Cho phép tàu thuyền ra khơi từ 00h ngày 30/9
Chiều nay (29/9), UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản cho phép tàu thuyền ra khơi. Theo đó, địa phương này bỏ lệnh cấm biển, cho phép ngư dân ra khơi, đánh bắt thủy sản và hoạt động trên biển từ 00h ngày 30/9/2022.
Các chủ tàu phải thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để chủ động phòng tránh và xử lý kịp thời các tỉnh huống xấu nhất có thể xảy ra, duy trì liên lạc với gia đình, UBND xã và các đơn vị có liên quan.
Trước đó, để đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền, chủ động ứng phó với cơn bão số 4 (Noru), UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 17h ngày 26/9/2022.
Hơn 7.000 nhà dân bị ngập
Chiều 29/9, theo báo cáo từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, mưa lớn trong những ngày qua đã làm đã làm 02 người chết (ở huyện Nghi Lộc và Thanh Chương) và 01 người mất tích (huyện Thanh Chương);
Cụ thể, vào khoảng 23h ngày 28/9, ông Nguyễn Văn H. (SN 1967, trú xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lôc) đi ra khu vực tràn Khe Thị (ở gần nhà) mãi không thấy trở về. Sau đó, chính quyền địa phương và gia đình đã tổ chức tìm kiếm. Đến 7h30’ ngày 29/9, thi thể ông H. được phát hiện cách hạ lưu tràn Khe Thị khoảng 1km.
Tiếp đến 3h ngày 29/9, anh Nguyễn Hữu H. (SN 1984, trú xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) đi thả lưới bắt cá bị nước lũ cuốn trôi. Đến 10h cùng ngày, thi thể nạn nhân đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình mai táng.
Vào lúc 4h30’ ngày 29/9, ông Bùi Văn T. (SN 1964, trú xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương) trong quá trình sử dụng nốc đánh bắt cá tại khu vực đồng ruộng thuộc thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn) thì không may bị lật thuyền, mất tích. Hiện chính quyền địa phương và gia đình nỗ lực tìm kiếm.
Trong một diễn biến khác, vào 10h sáng 29/9, sau khi nước lũ rút và trời tạnh ráo, chị Hoàng Thị N. (SN 1976, trú xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu) cùng con gái dọn dẹp lại nhà cửa.
Trong lúc quét sân, dọn dẹp thì mái tôn hở điện, chị N. bị điện giật. Phát hiện mẹ nằm bất động, người con gái liền kêu cứu hàng xóm; tuy nhiên khi người dân chạy đến thì chị N. đã tử vong.
Đến chiều 29/9, mưa lũ khiến hơn 7.300 nhà dân trên địa tỉnh Nghệ An bị ngập, chủ yếu ở các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Hưng Nguyên… ; 71 hộ dân phải di dời (ở các huyện Quỳnh Lưu, Tương Dương, Diễn Châu, Thanh Chương); hàng chục nhà dân bị thiệt hại, tốc mái, ảnh hưởng do sạt lở đất.
Bên cạnh đó, gần 600 ha lúa, 3.271 ha hoa màu, 89 ha cây công nghiệp bị thiệt hại. Hơn 17.00 con gia cầm, gia súc bị chết, cuốn trôi…
Một số công trình thủy lợi bị hư hỏng, đặc biệt ở đập Hốc Cối, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu bị sạt lở hạ lưu đập với chiều dài hàng chục mét. Ngay trong đêm 28/9, lực lượng chức năng cùng hàng trăm người dân đã gia cố, khắc phục, đảm bảo an toàn cho thân đập.
Đến chiều 29/9, trên địa bàn có 16 điểm trường bị ảnh hưởng; có 35 vị trí bị ngập sâu. Trong đó có các tuyến quốc lộ 48, 48E, 48B, 15; 17 vị trí ở các tỉnh lộ 531B, 534D, 544, 533, 538..., lực lượng chức năng đã cấm đường và cắt cử lực lượng canh gác.
Ngoài ra 38 vị trí ở các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở ta luy âm, ta luy dương. Các điểm bị sạt lở đã được các đơn vị quản lý bố trí rào chắn, căng dây và biển báo để đảm bảo an toàn. Đồng thời bố trí máy móc khắc phục, sớm thông tuyến, đảm bảo an toàn giao thông.
Hiện nay, các lực lượng chức năng ở các địa phương Nghệ An đang khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Việt Hòa