Ngại đi khám, mẹ bầu suýt mất con vì đường huyết cao chót vót
Đái tháo đường thai kỳ là bệnh lý phổ biến ở phụ nữ mang thai và nó là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng sản khoa, đe doạ tính mạng cả mẹ và thai nhi.
Chị H.T.N.L (41 tuổi, Đà Nẵng) được người nhà chuyển đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng, tím môi đầu chi, vật vã li bì, thở nhanh nông, ra mồ hôi nhiều, chân tay lạnh, phổi nghe ran ẩm lên đến 2 đỉnh, huyết áp tăng 240/130 mmHg.
Qua thăm khám ban đầu, bác sĩ ghi nhận chị bị tiền sản giật thể nặng khi đang mang thai lần ba, siêu âm tim thai rời rạc. Khi vào viện, bệnh nhân bất ngờ chuyển biến xấu hơn - ngưng tim, ngưng tuần hoàn hô hấp nguy cơ tử vong cao cho cả hai mẹ con lúc này.
Nhận định đây là một ca bệnh rất nặng và nguy hiểm đến tính mạng của cả sản phụ và đứa con trong bụng. Sau 30 phút, bác sĩ đã cứu được cả hai mẹ con. Sản phụ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp. Bác sĩ cho biết chỉ cần chậm vài phút thì có thể mất cả mẹ và con.
Ảnh minh hoạ. |
Trường hợp của chị N.T.H, (37 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) cũng vào viện cấp cứu vì chân tay lạnh, thở nông. Chị H. mang thai ở tuần thứ 31, sức khoẻ ổn định nhưng khoảng hơn 1 tuần này chị H. thấy người mệt mỏi, buồn nôn.
Chị H. lại nghĩ mình bị mệt do ốm nghén. Khi vào viện cấp cứu, bác sĩ cho biết đường huyết của chị H. cao tới 13 mmol/l lúc đói. Nguyên nhân do đái tháo đường thai kỳ nhưng sản phụ không kiểm tra đường huyết.
Chị H. chia sẻ bản thân chị chỉ đi siêu âm từ mốc 22 tuần, chờ tới 32 tuần đi siêu âm lại. Vì sợ dịch bệnh nên chị cũng ngại đi tới các phòng khám kiểm tra. Hơn nữa, chị cũng không tăng cân khi mang thai, khi thấy bác sĩ báo đường huyết tăng chị cũng bất ngờ.
BS.CKII Mai Hải Lý - Tổ trưởng tổ khám sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM cho biết đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết tương do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai.
Theo Hội Nội tiết Hoa Kỳ, đái tháo đường thai kỳ là tình trạng liên quan đến tăng glucose huyết tương của mẹ và làm tăng nguy cơ các kết cục sản khoa bất lợi.
Đái tháo đường thai kỳ ngày càng tăng nhưng phần đông thai phụ và cộng đồng hiện chưa hiểu đúng mức về bệnh này. Bệnh thường không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, chỉ có triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, nên dễ nhầm lẫn với các triệu chứng khi mang thai.
Theo bác sĩ Lý, thai phụ bị đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết sẽ gây nhiều hậu quả cho mẹ và thai. Người mẹ dễ bị tăng huyết áp, tiền sản giật - sản giật, bệnh lý võng mạc, bệnh lý mạch vành, nhiễm trùng tiết niệu, nguy cơ bị đái tháo đường thực sự trong tương lai… tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non, mổ lấy thai.
Đối với thai nhi và trẻ sơ sinh đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng lên sự phát triển của thai nhi như dị tật bẩm sinh, thai ngưng phát triển, sảy thai tự nhiên, thai tăng trưởng quá mức và thai to, thai lưu.
Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh nguy cơ hạ glucose huyết tương và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh, Hội chứng nguy kịch hô hấp, tử vong ngay sau sinh, vàng da sơ sinh.
Các ảnh hưởng lâu dài: Gia tăng tần suất trẻ béo phì, khi lớn trẻ sớm bị mắc bệnh đái tháo đường týp 2, rối loạn tâm thần - vận động. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ đái tháo đường và tiền đái tháo đường tăng gấp 8 lần khi đến 19 đến 27 tuổi.
Chính vì vậy, bác sĩ Lý khuyến cáo tất cả các thai phụ nên được tầm soát đái tháo đường trong thai kỳ tại thời điểm từ tuần thứ 24 - 28 của tuổi thai.
Khi kết quả xét nghiệm kết luận bị đái tháo đường thai kỳ thai phụ sẽ được bác sỹ tư vấn kỹ về nguy cơ, hướng theo dõi, chế độ ăn uống, tập luyện cho thai phụ, mục tiêu duy trì chỉ số đường huyết càng gần bình thường càng tốt.
Để đạt được điều này, thai phụ cần thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện, duy trì được mức tăng cân phù hợp với từng giai đoạn của thai kỳ.
Khánh Chi