Nga trình làng mẫu robot chiến đấu mới hiện đại nhất thế giới
Nga mới đây đã hoàn thành thử nghiệm loại robot chiến đấu mới, có thể sử dụng nhiều loại vũ khí mới, thậm chí có thể phối hợp với UAV để thực hiện nhiệm vụ.
Phó Tổng Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Câng cao của đất nước Nga, ông Vitaly Davydov mới đây cho biết, Nga sẽ hoàn thành việc phát triển robot chiến đấu Marker trong năm 2021. Robot này được trang bị hệ thống phóng lựu đạn tự động, các hệ thống vũ khí hạng nhẹ, đặc biệt nó còn được trang bị máy bay không người lái (UAV) nhằm tăng cường khả năng trinh sát và chỉ thị mục tiêu cho Marker khi làm nhiệm vụ.
Robot chiến đấu Marker phối hợp với UAV. Nguồn: Xinhua |
Ông Davydov tiết lộ, Nga tiến hành các công tác nghiên cứu robot Marker từ tháng 3/2018. Đến quý III/2019, doanh nghiệp quốc phòng Nga đã chế tạo thành công và đưa ra 2 loại robot bánh xích được trang bị mô-đun trọng tải tiêu chuẩn hóa và mô-đun phóng UAV. Cũng trong năm 2019, những cuộc thử nghiệm đầu tiên giữa Marker và UAV được Nga bắt đầu thực hiện, trong đó một cấu hình thử nghiệm được trang bị súng máy Kalashnikov và các ống phóng lựu.
Theo truyền thông Nga, robot Marker có thể được lắp đặt đồng thời 2 hệ thống vũ khí. Robot này sẽ hoàn toàn tự chủ và có thể độc lập hoàn thành một loạt các nhiệm vụ. Người điều khiển chỉ cần đưa ra các hướng dẫn mục tiêu và robot sẽ quyết định cách tiếp cận mục tiêu theo từng loại địa hình và phương pháp xử lý các “chướng ngại vật” trong quá trình tiếp cận mục tiêu cũng như việc lựa chọn những vũ khí phù hợp nhất ngay tại hiện trường chiến đấu.
Con người đóng vai trò trinh sát cho robot Marker. Nguồn: Xinhua. |
Ông Davidov cho biết thêm, hiện tại Marker đã hoàn thành “học” cách sử dụng vũ khí hạng nhẹ và có thể thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu mặt đất và trên không. Trong tương lai gần, Marker sẽ tiếp tục “học” cách sử dụng hệ thống súng phóng lựu để thực hiện các loại nhiệm vụ liên quan đến vũ khí này.
Ông Davidov nhấn mạnh, robot chiến đấu sẽ là các “chiến hữu” thân thiết của binh lính trên chiến trường và loại robot này sẽ hạn chế tối đa khả năng thương vong về con người trong các nhiệm vụ chiến đấu thực địa. Theo hình ảnh được công bố trong những cuộc thử nghiệm đã mô tả cảnh robot và binh lính cùng phối hợp với nhau trên chiến trường. Marker đi kèm một người lính, nhận chỉ thị mục tiêu từ các thiết bị quan sát trên vũ khí của anh ta.
Robot chiến đấu Marker. Nguồn: Xinhua. |
“Đây là bước phát triển mới trong việc sử dụng robot trên chiến trường. Các cảm biến được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ tự động tìm kiếm và nhắm bắn, trước khi nhận lệnh khai hỏa từ con người. Người lính trong trường hợp này là trinh sát, hoa tiêu cho robot. Điều làm nên sự đặc biệt của Marker là trong trường hợp không có sự phối hợp với con người, robot này có thể tự phối với UAV khi hoạt động trên chiến trường”, Vitaly Davydov nói.
Nga đang đẩy mạnh chế tạo các loại robot chiến đấu, Quân đội Nga cho rằng, trong tương lai, robot chiến đấu sẽ dần thay thế chức năng của các chiến binh trên chiến trường, do chúng nhanh hơn, chính xác hơn và đưa ra lựa chọn tốt hơn con người. Giám đốc về công nghệ và an ninh của Trung tâm An ninh Mỹ mới Paul Scharre cho rằng: “Nga đang tạo ra cả một vườn bách thú của các robot mặt đất vũ trang tận cả đến loại có kích thước như xe bọc thép chở quân”.
Một robot chở quân của Nga. Nguồn: Xinhua. |
Theo các chuyên gia Mỹ, các robot Nga được chế tạo dường như chỉ để quảng cáo hơn là các xe chiến đấu thực tế. Đa số các robot là các xe thiết giáp thông thường được cải hoán để điều khiển từ xa. Không thể coi chúng là các sản phẩm tự hoạt thực sự vì việc điều khiển chúng đòi hỏi sự có mặt của con người, dù là ở ngoài xe.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng phải công nhận rằng, dù là thủ đoạn quảng cáo hay để hỗ trợ chiến đấu thì sự thật là Mỹ đang tụt hậu so với Nga trong phát triển robot chiến đấu mặt đất cỡ lớn.
Robot mặt đất quân sự lớn nhất của Mỹ hiện nay là chiếc xe tải thuộc chương trình Hệ thống đoàn xe tiếp vận LFAGR (Leader-Follower Automated Ground Resupply) bắt đầu vào năm 2017. Nhưng, con người vẫn phải điều khiển chặt chẽ mọi hành động của robot để tránh những vấn đề tiêu cực có thể xảy ra.
Đức Trí (lược dịch)