Nga nói gì về việc Bắc Macedonia gia nhập NATO
Bắc Macedonia chính thức trở thành thành viên thứ 30 của NATO. Ảnh:Globallookpress.com. |
Truyền thông đưa tin, hôm 27/3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định Bắc Macedonia “giờ là một phần của gia đình NATO”. Ông Jens Stoltenberg nói, NATO là một gia đình gồm 30 quốc gia thành viên với gần 1 tỷ người được xây dựng dựa trên “một sự chắc chắn rằng cho dù có phải đối mặt với những thách thức như thế nào, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau trở nên mạnh mẽ hơn và an toàn hơn”.
Đồng thời, ông Jens Stoltenberg nhận định việc kết nạp Bắc Macedonia giúp cho khu vực Tây Balkan ổn định hơn và NATO sẽ trở nên mạnh mẽ, an toàn hơn. Về phần mình, Tổng thống Cộng hòa Bắc Macedonia Stevo PVervisovski gọi sự kiện này là dấu son trong lịch sử của đất nước. Là thành viên NATO sẽ giúp cho an ninh quốc gia được đảm bảo.
“Chúng tôi không thể vui mừng và đánh dấu sự kiện này. Đây là một thành công lịch sử mà sau ba thập kỷ độc lập, cuối cùng đã khẳng định được an ninh, bảo đảm tương lai cho Macedonia. Xin chúc mừng tất cả! Chúng tôi xứng đáng với điều đó!”.
Bình luận về sự kiện này phía Nga chỉ trích sự gia nhập của Bắc Macedonia vào NATO. Theo đó, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh sự kiện này không góp phần vào cuộc chiến chống lại các mối đe dọa phổ biến, bao gồm đại dịch Covid-19 đang lây lan ra khắp thế giới hiện nay. Thay vào đó, việc mở rộng NATO thêm thành viên sẽ chỉ tạo ra “sự chia rẽ mới”.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng cho đến nay vẫn chưa có một lời “biện minh” rõ ràng nào cho sự cần thiết của Bắc Macedonia để gia nhập NATO.
Các báo cáo cũng nhấn mạnh bên cạnh sự tăng trưởng kinh tế, tăng cường pháp luật sẽ được hứa hẹn, tuy nhiên “hoàn toàn không cần thiết phải tham gia khối quân sự - chính trị như NATO”. Thay vào đó, Skopje sẽ được yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng mua vũ khí và thiết bị của Mỹ.
Cộng hòa Macedonia (tên gọi trước đây của Cộng hòa Bắc Macedonia) xin gia nhập NATO từ những năm 90 của thế kỷ trước, song vấp phải sự phản đối của Athens vì trùng với tên một tỉnh ở Hy Lạp. Cuối năm 2018, Skopje và Athens đã đạt một thỏa thuận, theo đó quốc gia Tây Balkan này chính thức đổi tên thành Bắc Macedonia và Hy Lạp không còn phủ quyết việc quốc gia láng giềng gia nhập NATO.
Bắc Macedonia có khoảng 2 triệu dân, tách ra độc lập sau khi Liên bang Nam Tư tan rã năm 1991 với tên gọi Cộng hòa Macedonia. Trở thành thành viên Liên Hợp Quốc vào năm 1993.