Nga "khoe" khí tài quân sự trong cuộc tìm kiếm QZ8501
Phó chỉ huy nhiệm vụ tìm kiếm, ông Alexander Shilin, trả lời vào ngày 7/1 rằng Nga đã gửi đến một đội quân gồm 2 phi cơ và 22 thợ lặn vào ngày 2/1 theo đề nghị của Indonesia.
Lần này khác với cuộc tìm kiếm máy bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia đã mất tích vào tháng 3/2014 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, khi Nga đã không tham gia chiến dịch.
Một máy bay Nga đang chuẩn bị mang các thiết bị nhằm hỗ trợ các thợ lặn tìm kiếm máy bay QZ8501 ở Indonesia. |
Sự tham gia của Nga trong cuộc tìm kiếm đã cho nước này cơ hội nhằm thể hiện sức mạnh quân sự vào thời điểm những nước như Trung Quốc và Mỹ đang muốn là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Joko Widodo bao gồm đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng, nâng cấp hải quân và phát triển cơ sở hạ tầng vùng biển.
Được coi là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, Indonesia phải đối đầu với nạn hải tặc và đánh cá trái phép trên biển và đang có nguy cơ vướng vào cuộc tranh chấp chủ quyền với các nước trên Biển Đông.
“Nga đã hợp tác với Indonesia trong một khoảng thời gian rất dài và coi họ là đối tác thân cận ở Đông Nam Á”, ông Alexey Muraviev, một chuyên gia quốc phòng ở Đại học Curtin tại Perth, Australia cho biết. “Đây là một phần trong chiến lược chung nhằm thiết lập mối quan hệ sâu sắc với Indonesia”.
Tổng thống Widodo cho biết ông dự kiến sẽ tăng ngân sách quốc phòng của Indonesia thêm một khoản bằng 1.5% tổng sản phẩm quốc nội. Chi tiêu quân sự đã tăng lên trong suốt thập kỷ qua và đã lên đến 81,96 nghìn tỉ rupiah (tương đương với 6,4 tỉ USD) vào năm 2013, hay 9% GDP, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI).
Nga là một trong những nhà cung cấp thiết bị quân sự chính của Indonesia. Trong một chuyến thăm tới Jakarta vào năm 2007, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một thỏa thuận cho vay có giá trị 1 tỉ USD nhằm hỗ trợ Indonesia mua các thiết bị cần thiết.
Ông Alexander Shilin cho biết, vào năm 2014, Nga đã gửi đến những khí tài quân sự bao gồm 54 xe chuyên chở bộ binh đổ bộ BMP-3, cũng như các loại máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27 và Su-30, nâng tổng số các phi cơ do Sukhoi sản xuất mà Indonesia đang có lên đến con số 18.
Ngoài ra, kế hoạch trên biển của Tổng thống Widodo cũng bao gồm việc “mua thêm các tàu chiến” và theo Shilin, “chúng tôi có những sản phẩm rất tốt dành cho Indonesia”.
Ông Shilin nhấn mạnh, Nga luôn là nước tham gia vào việc hỗ trợ thiên tai ở Indonesia. Một bệnh viện dã chiến đã được triển khai ở tỉnh Aceh sau thảm họa sóng thần diễn ra vào năm 2004 và Nga đã hỗ trợ chống lại cháy rừng ở đảo Sumatra vào năm 2009, và cùng năm đó đã gửi máy bay cùng các bác sĩ tới đảo này sau khi thảm họa động đất đã giết chết hàng trăm người.
Sự tham gia trong cuộc tìm kiếm máy bay AirAsia cũng được coi là nỗ lực nhằm thiết lập quan hệ với các nước châu Á của Tổng thống Putin sau khi Nga bị cáo buộc cung cấp tên lửa đã bắn rơi máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia trên bầu trời miền Đông Ukraine vào tháng 7/2014. Đã có 12 người Indonesia trong tổng số 298 người trên máy bay bị nạn.
Quá trình tìm kiếm xác máy bay vẫn gặp nhiều trở ngại do thời tiết xấu. |
Indonesia đã phát biểu rằng, họ đã phát hiện được một phần của đuôi máy bay QZ8501, qua đó thu hẹp khoảng cách tìm kiếm hộp đen, được cho là có thể sẽ giúp làm rõ chuyện gì đã xảy ra trong những phút cuối cùng trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình rađa vào ngày 28/12. Cho tới giờ, 40 thi thể của 162 người bị nạn đã được đưa lên bờ, và biển động vẫn ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm.
Đội quân của Nga đã nâng tổng số người trong lực lượng tìm kiếm cứu nạn lên đến hơn 5.000 người, 20 máy bay, 40 xe cứu thương và 95 thợ lặn hỗ trợ trong cuộc tìm kiếm. Ngoài Nga, các nước Mỹ, Trung Quốc, Singapore và Malaysia cũng tham gia tìm kiếm.
“Với Nga, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt nhằm thể hiện một số khả năng của quân đội nước họ”, ông Collin Koh, thành viên thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, một đơn vị của Trường S.Rajaratnam ở Singapore, cho biết. Sự giúp đỡ này “sẽ xây dựng quan hệ tốt với Indonesia nhằm trở thành một yếu tố quan trọng trong các cuộc đàm phán mua bán vũ khí trong tương lai”.
Shilin cho biết, thiết bị của Nga trong cuộc tìm kiếm này bao gồm một tàu ngầm có trọng lượng khoảng 500kg và có thể hoạt động ở độ sâu lên đến 300m dưới đáy biển. Tàu được trang bị một thiết bị sóng âm giúp phát hiện âm thanh từ hộp đen của máy bay.
Chiến dịch tìm kiếm được tập trung tại gần Pangkalan Bun, khoảng 1.000km về phía Đông Nam Singapore. Lực lượng quốc tế đã xác định một khu vực rộng khoảng 5.400 km2 là khu vực rất có thể sẽ tìm thấy xác máy bay.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai chuyên trang về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.