Nén nỗi đau mất mẹ, chàng trai F0 tình nguyện ở lại viện chăm sóc người bệnh
Không nề hà, bất cứ khi nào các F0 cần là Trường lại lao vào giúp đỡ họ không quản ngại, từ việc cho ăn uống tới vệ sinh cá nhân.
Chàng trai đặc biệt
Hà Ngọc Trường (Quận 1, TP.HCM) là một F0 đã từng bước qua lằn ranh sinh tử của bệnh Covid-19, cậu hiểu hết được nỗi khổ của F0 và đặc biệt là sự vất vả của nhân viên y tế. Khi hết thời gian điều trị, Trường đã xin ở lại bệnh viện làm “điều dưỡng” bất đắc dĩ.
Ngày 16/6, Trường và cả gia đình được xác định dương tính với Covid-19. Lúc đó, TP.HCM số ca mắc cũng không cao như bây giờ. Trường và cả gia đình chia nhau đi cách ly tại các bệnh viện khác nhau. Trường lên BV Covid-19 Củ Chi, còn ba mẹ đi cách ly bệnh viện khác. Đó cũng là ngày cuối cùng Trường được gặp mẹ của mình.
Trường vào bệnh viện, dù là thanh niên khoẻ nhưng cậu cũng bị Covid-19 "hành". Có những ngày sốt cao không hạ, uống hạ sốt được 3, 4 tiếng người lại nóng hừng hực. Người như bị ai đánh, xương khớp đau nhức, mất khứu giác, vị giác. Trường cảm thấy hoang mang không biết mình sẽ như thế nào.
Từng là F0 nên Trường càng hiểu bệnh nhân Covid-19 hơn. |
Đến ngày thứ 10, Trường khó thở, SpO2 hạ xuống thấp quá, bác sĩ phải cho Trường thở oxy. Bác sĩ báo “phổi em bị virus ăn hết rồi”. Cảm giác hoảng, nhìn phổi trắng xoá, Trường sợ hãi.
Lúc đó, mẹ của Trường cũng trở nặng phải vào ICU của BV Bệnh Nhiệt đới. Mẹ Trường mới 59 tuổi. Sau những ngày vật lộn, phổi của Trường hồi phục một cách kỳ diệu. Các điểm trắng được thay màu dần. Trường cố gắng tập thở, uống nhiều nước để oxy có thể thấm vào phổi.
Đến khi âm tính nhưng phổi vẫn ảnh hưởng, cậu vẫn kiên trì tập thở. Ở trong bệnh viện, chứng kiến y bác sĩ làm việc không ngừng nghỉ, Trường bắt đầu nhìn thấy việc gì làm được là làm. Từ đi gội đầu cho bệnh nhân tới các việc cho ăn, thay bình oxy.
Trường chăm sóc người bệnh. |
Công việc cứ như vậy, khi bác sĩ báo Trường có thể xuất viện, cậu đã mạnh dạn xin ở lại để hỗ trợ chăm sóc F0. Từng là F0, cậu hiểu người bệnh Covid-19 cô đơn như thế nào. Chỉ cần ở lại trò chuyện, chăm sóc, giúp đỡ được việc gì là Trường không quản ngại.
Dù là thanh niên chưa có gia đình nhưng việc thay bỉm, tắm, gội cho bệnh nhân cậu cũng không ngại. Có lần, Trường gội đầu cho những bệnh nhân họ còn khen cậu khéo léo cậu rất vui. Thậm chí nhiều bệnh nhân còn cảm thán họ chưa bao giờ được con cái gội đầu cho như thế này.
Không bảo hộ vì muốn gần gũi hơn
Trường xin ở lại bệnh viện, dù từng là F0 nhưng các bác sĩ vẫn yêu cầu cậu phải mặc quần áo bảo hộ. Trường cho biết cậu không thích mặc bảo hộ. Cậu thấy mặc vào khó làm việc. Nếu bệnh nhân khó thở cần mình giúp mà lại đi mặc bảo hộ thì không kịp. Hơn nữa, mặc những bộ quần áo bệnh nhân cậu thấy dễ chịu hơn, thoải mái hơn.
Mỗi ngày, Trường làm không tính thời gian. Cứ thấy có việc là cậu làm. Từ chăm sóc người bệnh, lau dọn sàn nhà, bê bình oxy, kiểm tra bình oxy. Buổi tối, Trường cũng không dám ngủ. Thi thoảng cậu lại đi xem có bình oxy nào cần thay không. Có những bệnh nhân nhiều tuổi khó thở, họ khó chịu giật mặt nạ oxy ra, Trường phải chụp vội oxy vào rồi giữ chặt và động viên người bệnh thở nhẹ nhàng. Cậu cũng có kinh nghiệm nếu hoảng loạn thì sẽ thiếu oxy và càng khó thở hơn.
Phút vui vẻ cùng với F0 khác. |
Nơi Trường làm việc có 80 – 85 bệnh nhân, đều là bệnh nhân nặng. Niềm vui của cậu đó là giúp người bệnh soạn đồ trở về nhà. Còn Trường sẽ ở lại khi nào hết dịch mới về.
Tuy nhiên, cũng có người bệnh chẳng bao giờ trở về nhà được nữa. Trường kể hôm trước có bệnh nhân, họ biết mình sắp về thế giới bên kia, nắm chặt tay Trường suốt đêm như cố tìm hơi ấm của tình thân. Dù là thanh niên, Trường vẫn sụt sùi không cầm được nước mắt. Có những người Trường biết họ sắp không qua khỏi, cậu sẽ lấy điện thoại video call cho người thân để gặp mặt. Những giây phút ấy dù không ai muốn nhưng nó vẫn đến.
Nhiều lần có cảm giác mệt vì thiếu ngủ nhưng đến giờ cậu đã quen với lối sinh hoạt hiện tại. Trường tin rằng mình sẽ đủ sức khoẻ để cùng mọi người làm việc. Cậu nghĩ rằng tái nhiễm vẫn có thể xảy ra nhưng hiện tại hàng tuần Trường đều được kiểm tra sức khoẻ. Cậu cũng thường xuyên nhắn gửi người thân của mình những lời động viên để mọi người yên tâm về công việc mình đang làm.
Đến nay đã hơn 2 tháng, Trường ở bệnh viện Covid-19 Củ Chi không về nhà. Nhà Trường chỉ cách bệnh viện 30km nhưng cậu vẫn xin gia đình ở lại. Mẹ Trường trở nặng và không qua khỏi do Covid-19. Ngày mẹ mất, Trường cũng không thể về, cậu chỉ gặp mẹ qua video call. Cậu tin rằng mẹ sẽ hiểu những hành động Trường đang làm sẽ giúp mẹ vui. Trường cũng tin mẹ đã cầu nguyện để gánh bệnh cho gia đình mình.
K.Chi