Né tháng 'cô hồn', nhiều mẹ bầu 'đẻ chạy' để 'hoán số' cho con
Thai nhi dự kiến sinh trong tháng 8 dương lịch nhưng rơi vào tháng 7 âm lịch - tháng 'cô hồn' nên nhiều bà mẹ quyết định sinh sớm hơn.
Vừa chủ động sinh mổ khi thai nhi được 38 tuần, chị Nguyễn Thị K. (Long Biên, Hà Nội) cho biết đây là lần mang thai thứ 3. Hai lần trước đều mổ sinh nên lần thứ 3 chị K. cũng chủ động mổ sinh. Theo dự kiến em bé sẽ chào đời vào khoảng 10-12 tháng 8, rơi vào tầm rằm tháng 7 âm lịch.
Hai vợ chồng chị K. quyết định sinh chủ động trước tháng ngâu. “Con gái đẻ năm hổ đã vất vả nếu đẻ thêm vào tháng ngâu mọi người đều lo cho con nên thôi đẻ trước” chị K. cho biết.
Vợ chồng chị K. đã chọn mổ đẻ vào ngày 26/7. Em bé sinh ra được 3,2 kg, mẹ khoẻ con khoẻ nên chị K. và chồng rất vui vì chọn được ngày, giờ đúng như gia đình mong muốn.
Còn trường hợp của chị Vũ Thuý Đ. (24 tuổi, ngụ tại Phú Nhuận, TP.HCM) mang thai 37 tuần, dự kiến sinh vào tháng sau nhưng né tháng ngâu nên chị Đ và chồng đã tìm tới bác sĩ xin mổ sớm hơn dự kiến ngày sinh 3 tuần.
Bác sĩ sau khi siêu âm và tư vấn vẫn khuyên vợ chồng chị nên để bé phát triển thêm trong bụng mẹ 1, 2 tuần nữa vì cân nặng của bé chưa được 3 kg.
Khi bác sĩ tư vấn, người vợ thì im lặng nhưng người chồng cho rằng, bé sinh vào tháng 7 không tốt. Bà nội ở quê đã đi xem bói, thầy nói sinh tháng 7 bé sẽ khổ trong đường tình duyên và hạnh phúc. Vì vậy, gia đình có nguyện vọng “di căn hoán số” cho bé bằng cách cho đẻ trước tháng ngâu.
Hay trường hợp của Nguyễn Lan P. (34 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội), vợ chồng chị P. kết hôn 4 năm mới có con. Con đầu lòng của anh chị là con quý, con hiếm. Nhưng theo dự kiến sinh con sẽ sinh vào giữa tháng 8 dương lịch.
Chị P. luôn lo lắng đẻ vào tháng 7 (âm lịch) vì tháng đó vốn không tốt lại đúng tháng hạn của chồng chị. Đứa trẻ vốn không hợp tuổi ba, lại đẻ vào tháng không tốt cho công việc của ba nên vợ chồng chị đã xin mổ đẻ sớm.
TS Trung thực hiện 1 ca mổ đẻ. |
Nhiều lần bị doạ xảy ra, nên chị P. cũng được bác sĩ tạo điều kiện để mổ trước. Tuy nhiên, khi chọn mổ vào ngày cuối tháng thì gia đình cũng không đồng ý vì tâm lý “ngày cùng, tháng tận”. Bác sĩ cũng đành bó tay với đủ các lý do để chọn ngày sinh cho bé.
TS BS Nguyễn Hữu Trung – Trưởng Khoa phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2, cho biết hầu như năm nào vào những ngày cuối tháng 6 âm lịch các sản phụ có dự kiến sinh trong tháng 7 đều tìm tới bác sĩ bày tỏ nguyện vọng sinh con trước tháng “ngâu” vì quan niệm tháng 7 âm không tốt.
Năm nay, tỷ lệ này có thấp hơn so với mọi năm nhưng nhiều chị em vẫn có tâm lý e dè này. Tâm lý của nhiều người mong muốn con được chào đời ngày lành, tháng tốt, giờ đẹp để con tránh gặp phiền phức trong tương lai.
Tuy nhiên, BS Trung cho rằng việc chọn ngày, chọn giờ ích lợi thì ít mà nguy hiểm thì nhiều.
Hơn 20 năm gắn bó với chuyên ngành sản khoa, TS Trung cho biết, tỷ lệ chọn giờ sinh ngày càng tăng lên. Ba mẹ cố để con sinh ra vào giờ vàng, tháng đẹp dù bác sĩ giải thích kỹ về những nguy hiểm khi đứa trẻ sinh ra.
Ví dụ trẻ sinh không đủ ngày đủ tháng nguy cơ mắc các chứng nhiễm trùng sơ sinh, viêm phổi, viêm hô hấp xảy ra nhiều hơn. Thậm chí, có những trường hợp thai chết lưu do gia đình nhất định đợi đến đúng giờ lành mới đẻ.
Nhiều bà mẹ nghĩ rằng con còn 2,3 tuần mới chào đời nhưng cân nặng con đã được hơn 3kg thì đẻ trước sẽ không sao nên “nằng nặc” tìm đủ lý do để được bác sĩ mổ sớm.
Thậm chí, có gia đình còn xem giờ đẹp, con phải mổ vào nửa đêm về sáng mới tốt nên chọn vào 3, 4 giờ sáng mới sinh. Khi đó, bác sĩ cũng cũng mệt mỏi thậm chí còn đang buồn ngủ. Nếu xảy ra tai biến thì cấp cứu cũng khó hơn ban ngày.
TS Trung cho rằng việc mổ sớm hay muộn không phải do mẹ bầu quyết định mà bác sĩ sẽ phải tư vấn cân nhắc làm sao để tốt nhất cho mẹ và bé, phù hợp về mặt chuyên môn sản khoa.
Việc sinh ngày nào, giờ nào hoàn toàn phụ thuộc vào an toàn cho bà mẹ và em bé.
Khánh Chi