NATO muốn biến Ukraine thành chiến trường vô hình để 'đấu' với Nga?
NATO sẽ đưa Ukraine vào hệ thống tác chiến mạng của mình, nhằm biến Ukraine thành chiến trường giữa NATO và Nga trong trò chơi không gian mạng.
Theo báo cáo của Reuters, để đối phó với “mối đe dọa” Nga, NATO có kế hoạch đưa Ukraine vào hệ thống tác chiến mạng thống nhất, trở thành "mắt xích quan trọng trong hệ thống tác chiến không gian ảo". Đây là một động thái cụ thể của NATO nhằm tăng cường các hoạt động tác chiến mạng sau khi thành lập trung tâm tác chiến không gian mạng vào tháng 8/2018.
Trong bối cảnh khủng hoảng ở miền đông Ukraine vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều bế tắc trong các cuộc đàm phán hòa bình đa phương, việc NATO tạo ra một chiến trường vô hình ở Ukraine chắc chắn làm Nga phải đưa ra các biện pháp đối phó. Trong tương lai, “trò chơi” không gian mạng giữa NATO và Nga sẽ trở nên quyết liệt hơn.
NATO đang xem xét có nên sử dụng vũ khí trên mạng để ngăn chặn hoặc phá huỷ hệ thống vũ khí của kẻ thù hay không? Nguồn: people.com.cn. |
Thổi phồng mối đe dọa an ninh mạng từ Nga
Theo đánh giá của Nhật báo Nhân dân Trung Quốc, NATO tin rằng, khả năng phòng thủ an ninh mạng một cách yếu ớt của Ukraine, Bắc Âu và các nước Baltic đã làm cho các nước này trở thành một “trường bắn” của Nga trong việc tiến hành các cuộc chiến tranh không gian mạng mô phỏng và thử nghiệm vũ khí tác chiến mạng. Do vậy, hình thành hệ thống tác chiến mạng thống nhất giữa các quốc gia này và NATO là biện pháp duy nhất để nâng cao khả năng dự báo giám sát các nguy cơ an ninh mạng.
Trong những năm gần đây, Ukraine đã trở thành quốc gia có nguy cơ cao xảy ra các loại tấn công mạng khác nhau, các lĩnh vực có thể bị tấn công không chỉ có các cơ sở “mạch máu” của quốc gia, mà còn bao gồm cả các trang thiết bị vũ khí hiện đại và các căn cứ quân sự trọng yếu, nhất là các căn cứ quân sự sát biên giới với Nga.
Kể từ cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine năm 2014, Ukraine đã có ít nhất hai lần mất điện toàn quốc do các cuộc tấn công vào hệ thống quản lý lưới điện quốc gia. Đáng chú ý, khi Quân đội Ukraine mở cuộc tấn công vào khu vực Donbass, hệ thống mạng chỉ huy đã bị tấn công, dẫn đến toàn bộ mệnh lệnh quân sự bị “soạn lại”. Ngoài ra, sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở châu Âu, trang web của Chính phủ Ukraine đã bị đánh sập một thời gian, gây hoang mang cho dư luận trong nước.
Trung tâm an ninh mạng mới được thành lập của NATO tại Đức. Nguồn: people.com.cn. |
Ukraine đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống của NATO
Theo kế hoạch, trong 6 năm tới, NATO sẽ đầu tư gần 400 tỉ USD để xây dựng một hệ thống tác chiến mạng thống nhất. NATO tuyên bố rằng, Ukraine "mặc dù không phải là thành viên của NATO, nhưng là nạn nhân chính trong các cuộc tấn công mạng của Nga", do vậy, Ukraine sẽ đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ hệ thống tác chiến mạng của NATO.
Được biết, NATO rất có khả năng sẽ thành lập một trung tâm tác chiến không gian mạng để bố trí tạm thời hoặc triển khai theo giai đoạn ở Ukraine. Đơn vị này sẽ chịu sự chỉ huy trực tiếp của trung tâm tác chiến không gian mạng của NATO tại Đức, Bỉ. Trên cơ sở này, NATO sẽ tiến hành huấn luyện ở Ukraine, từ đó phát triển một lực lượng tác chiến mạng thân phương Tây nhưng quen thuộc với Nga và văn hóa dân gian của Nga để có thể xâm nhập vào Nga.
Truyền thông Ukraine cho biết, trung tâm tác chiến mạng của NATO ở Ukraine không những có thể đảm bảo an ninh mạng cho các căn cứ quan trọng của Kiev, mà còn có thể đưa ra phản ứng nhanh chóng đối với các mối đe dọa tấn công mạng. Ukraine sẽ nhận được 20 triệu USD mỗi năm để đảm bảo an toàn cho các thông tin cơ mật.
Sau khi tham gia hệ thống tác chiến không gian mạng của NATO, Ukraine cũng sẽ được hưởng "các đối đãi an ninh có liên quan". Theo đó, sau khi lực lượng tác chiến mạng của NATO đánh giá hình thức các mối đe dọa không gian mạng và mức độ gây hại, có thể áp dụng các biện pháp tương đương để can thiệp và ngăn chặn, từ đó tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng của Ukraine.
RIA Novosti cho rằng, NATO đã kéo Ukraine “nhập cuộc”, việc cung cấp các kỹ thuật và công nghệ không gian mạng chỉ là nhằm ngụy trang cho âm mưu của NATO, biến Ukraine thành chiến trường mạng giữa Nga và khối quân sự này. Mỹ và các quốc gia thành viên NATO khác có thể cung cấp cho Ukraine một nền tảng vũ khí tác chiến mạng và thậm chí cả "mã nguồn" công nghệ quan trọng để hình thành mô hình tác chiến không gian mạng “ủy nhiệm”. Theo tính toán, để có thể “ủy nhiệm” cho Ukraine đối phó với Nga, hàng năm NATO sẽ phải cung cấp cho Kiev khoảng 200-300 triệu USD tiền hỗ trợ vật tư và kỹ thuật.
Nga sẽ đáp trả đối với kế hoạch của NATO. Nguồn: people.com.cn. |
Nguy cơ chiến tranh từ chiến trường vô hình Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, Moscow sẽ chú ý đến những động thái có liên quan trong việc xây dựng lực lượng tác chiến không gian mạng của NATO và sẽ áp dụng các hành động tương ứng để đáp trả. Theo phân tích, việc NATO công bố phát triển hệ thống tác chiến mạng ở Ukraine thể hiện NATO đang muốn công khai “cuộc chơi” không gian mạng với Nga, Ukraine đã trở thành tiền tuyến trong cuộc chiến này.
Trong tương lai, NATO sẽ mời Ukraine tham gia vào tất cả các cấp độ của các cuộc tập trận chiến tranh mạng. Từ năm 2016, NATO đã đi đầu trong việc tổ chức một số cuộc tập trận chống lại các cuộc tấn công mạng ở các nước châu Âu. Năm 2019, NATO cũng đã tiến hành một cuộc tập trận tấn công và phòng thủ quy mô lớn dựa trên kịch bản mạng lưới điện quốc gia ở một quốc gia Đông Âu bị tê liệt.
Sau khi Ukraine trở thành "hướng tối ưu của hệ thống tác chiến mạng", cuộc tập trận tác chiến mạng của NATO sẽ có mục đích rõ ràng hơn, nội dung diễn tập, các kỹ thuật áp dụng và chiến lược phản công cũng sẽ sát với tình huống chiến tranh mạng thực tế. Với việc NATO đẩy nhanh triển khai lực lượng không gian mạng ở Ukraine, Nga buộc phải tăng cường khả năng phòng thủ mạng. Đặc biệt, Ukraine nhiều khả năng sẽ trở thành “cơ sở” thí nghiệm các loại vũ khí không gian mạng của Nga.
Đức Trí (lược dịch)