NATO không thể đỡ đòn đánh từ phía Đông của Nga?
Binh lính NATO |
Bản báo cáo mang tên “Báo cáo tình hình về công tác tăng cường khả năng đánh chặn và phòng thủ của liên minh” đã chỉ ra những khiếm khuyết của NATO.
Báo cáo nêu rõ: “Kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, NATO đã bị suy yếu khả năng hỗ trợ về mặt hậu cần trong việc triển khai quân tiếp viện nhanh chóng tới phần lãnh thổ mở rộng thuộc phạm vi trách nhiệm của các chỉ huy châu Âu”. Theo báo cáo, ngay cả việc mở rộng Lực lượng Phản ứng nhanh NATO (NRF) cũng khó có thể đảm bảo rằng lực lượng này có thể ứng phó nhanh chóng và lâu dài (nếu cần thiết).
Người phát ngôn NATO Oana Lungescu không đưa ra bình luận về bài viết của Der Spiegel, tuy nhiên bà khẳng định các lực lượng của NATO đều đang trong tình trạng sẵn sàng hơn bao giờ hết. Bà Lungescu cho biết NATO đang nỗ lực để đảm bảo các cấu trúc chỉ huy của liên minh này luôn hoạt động mạnh mẽ, linh hoạt và hiệu quả.
Trước đó, Tạp chí Politico của Mỹ dựa vào báo cáo phân tích của Lữ đoàn đổ bộ đường không số 173 của Mỹ (được bố trí tại Italia) để đưa ra nhân định rằng “thành trì” NATO ở châu Âu không đủ lực để có thể chống lại “sự xâm lược” của Nga.
Theo Politico, các lực lượng phản ứng nhanh của Quân đội Mỹ ở châu Âu không được trang bị đủ phương tiện, cũng như không được tổ chức đủ tốt để có thể chống lại sự xâm lược quân sự của Nga. Đây chính là kết luận được rút ra từ bản báo cáo nghiên cứu phân tích do Lữ đoàn đổ bộ đường không số 173 của Mỹ tại Italia đưa ra.
Lữ đoàn 173 của Mỹ tại Italia được coi là thành trì của NATO. Lực lượng đã từng tham chiến tại Iraq và Afghanistan này hiện đang vấp phải sự thiếu hụt “các khả năng chủ yếu cần thiết để có thể thực hiện hiệu quả sứ mệnh của mình một cách hiệu quả và nhanh chóng”.
“Mặc dù có quân số gần 4 nghìn người nhưng số lượng này vẫn là quá ít để Lữ đoàn 173 có thể chống lại các đòn tấn công của Nga vào châu Âu. Lữ đoàn 173 được coi là một trong các nhân tố chính để ngăn chặn Nga tiến vào biên giới NATO, nhất là kể từ sau khi Mỹ rút 2 lữ đoàn xe tăng khỏi Đức năm 2013”- báo cáo của Lữ đoàn 173 nêu rõ.
Trong bản báo cáo này cũng nêu ra các ví dụ “về sự tụt hậu trong các khả năng” của Lữ đoàn 173 sau khi tiến hành tập trận. Cụ thể, lữ đoàn này không có các đơn vị phòng không và tác chiến điện tử mà lại quá phụ thuộc vào liên lạc vệ tinh và GPS.
Quân đội Mỹ |
Mối đe dọa chính là các phương tiện tác chiến điện tử
“Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong bản báo cáo này là chủ đề về các mối đe dọa mà các trạm gây nhiễu và các phương tiện tác chiến điện tử của Nga mang lại. Các phương tiện này có thể vô hiệu hóa một cách hiệu quả hệ thống GPS từ khoảng cách 50 dặm. Do đó, nếu xung đột xảy ra thì hệ thống GPS sẽ hoàn toàn vô tác dụng”- tờ Politico trích dẫn báo cáo của Lữ đoàn 173.
Chính vì sự thiếu hụt này, Lữ đoàn 173 đã buộc phải đề nghị các đồng minh của mình là Litva giúp đỡ về các biện pháp liên lạc trước hệ thống gây nhiễu điện tử của Nga. Đây là dấu hiệu đáng buồn cho các lực lượng quân đội Mỹ. Trong khi đó, các lực lượng pháo binh của Mỹ cũng chủ yếu liên lạc thông qua GPS. Do đó, nếu như Nga sử dụng các phương tiện tác chiến điện tử để gây nhiễu các lữ đoàn pháo binh Mỹ thì các vũ khí chống tăng của Mỹ sẽ không thể xuyên thủng lớp áo giáp của Nga.
Báo cáo đi đến kết luận rằng nếu không khắc phục được các nhược điểm này thì “thành trì” của NATO tại châu Âu sẽ không thể đủ lực để chống lại nếu Nga “động binh”.