NASA thực hiện sứ mệnh đâm vào tiểu hành tinh nguy hiểm để bảo vệ Trái Đất
Một tàu vũ trụ sẽ được phóng vào không gian trong sứ mệnh DART để đâm vào tiểu hành tinh có khả năng gây hại cho sự sống trên Trái Đất.
Ảnh minh họa tàu vũ trụ DART của NASA và LICIACube của Cơ quan Vũ trụ Italia trước khi tác động vào Didymos |
Sứ mệnh DART hay còn gọi là Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh đôi của NASA bắt đầu thực hiện vào ngày 23/11 với việc phóng tên lửa SpaceX Falcon 9 từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở California, Mỹ.
Sau khi phóng vào tháng 11, NASA sẽ thử nghiệm công nghệ làm chệch hướng tiểu hành tinh vào tháng 9/2022 để xem nó tác động như thế nào đến chuyển động của tiểu hành tinh gần Trái Đất.
Các vật thể gần Trái Đất là những tiểu hành tinh, sao chổi có quỹ đạo trong phạm vi 42 triệu km so với Trái Đất. Phát hiện mối đe dọa từ các vật thể gần Trái Đất có khả năng gây hại nghiêm trọng là trọng tâm chính của NASA và các tổ chức không gian khác trên thế giới.
Didymos và Dimorphos
Mục tiêu lần này là Dimorphos, một mặt trăng nhỏ quay quanh tiểu hành tinh gần Trái đất Didymos. Trong tiếng Hy Lạp, Didymos có nghĩa là "song sinh".
Kleomenis Tsiganis, một nhà khoa học hành tinh tại Đại học Aristotle ở Thessaloniki và là thành viên của nhóm DART, đã gợi ý đặt tên mặt trăng là Dimorphos.
Kleomenis Tsiganis cho biết: "Dimorphos, có nghĩa là 'hai dạng. Đây sẽ là vật thể đầu tiên mà con người biết đến với hai hình dạng rất khác nhau. Một là vật thể mà DART nhìn thấy trước khi va chạm và vật thể còn lại do Hera của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu nhìn thấy, vài năm sau đó".
Vào tháng 9/2022, Didymos và Dimorphos sẽ tương đối gần Trái Đất và cách hành tinh khoảng 11 triệu km. Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm hoàn hảo để thực hiện sứ mệnh DART.
Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA, DART sẽ chủ động đâm vào Dimorphos để thay đổi chuyển động của tiểu hành tinh trong không gian. Vụ va chạm này do một CubeSat, vệ tinh khối lập phương do Cơ quan Vũ trụ Italia cung cấp ghi lại.
Vài năm sau vụ va chạm, sứ mệnh Hera của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu sẽ tiến hành một cuộc điều tra tiếp theo về Didymos và Dimorphos.
Nhiệm vụ đầu tiên
Theo các chuyên gia NASA, lựa chọn Dimorphos trong sứ mệnh lần này vì kích thước của nó tương đương với các tiểu hành tinh có thể gây ra mối đe dọa cho Trái Đất.
DART sẽ đâm vào Dimorphos di chuyển với tốc độ 23.758 km/h. Một camera DRACO đặt trên DART và phần mềm điều hướng tự động sẽ giúp tàu vũ trụ phát hiện, đâm vào Dimorphos.
Đây cũng sẽ là lần đầu tiên con người thay đổi động lực của một thiên thể trong hệ mặt trời và đo lường cụ thể.
Những dữ liệu mà DART và Hero thu thập sẽ góp phần vào các chiến lược bảo vệ hành tinh. Giúp các nhà khoa học hiểu được loại lực nào cần thiết để thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh gần Trái Đất có thể va chạm gây ảnh hưởng tới hành tinh của chúng ta.
Phát hiện ra thủ phạm khiến Trái Đất không sáng như trước
Các nhà khoa học phát hiện ra Trái Đất không còn sáng như trước đây và đang tối dần đi với tốc độ đáng kể trong vài năm qua.
Hoàng Dung (lược dịch)