Nam sinh uốn tóc xoăn không được đến trường?
Năm học mới, cháu tôi háo hức đến trường với mái tóc uốn xoăn bồng bềnh. Nhưng ngày đầu đến lớp bỗng thành cơn ác mộng với cậu nam sinh lớp 8.
Cháu được mời lên phòng giám thị trong ánh mắt ái ngại của cả lớp. Nhà trường yêu cầu cháu phải duỗi thẳng mái tóc uốn xoăn đó trở lại bình thường. Nếu không, cháu sẽ phải ở nhà vì vi phạm nội quy nhà trường: tác phong không phù hợp.
Cháu về nhà, rầu rĩ thông báo cho mẹ. Mẹ tức giận, to tiếng: nội quy nào? Mái tóc xoăn ảnh hưởng gì đến chuyện học? Rồi mẹ quyết tâm lên trường làm cho ra lẽ. Một bên người mẹ đòi hỏi lý lẽ nào để đưa ra nội quy như vậy và một bên là lý lẽ muôn thuở của nhà trường “chị phải hiểu, chúng tôi không thể chi tiết hết mọi thứ. Quy định là quy định”.
Kết quả, cháu lặng lẽ tự cắt nham nhở những phần uốn cong của mình để được đến trường. Cháu cảm thấy mệt mỏi khi bị trở thành nạn nhân của điều cháu chưa hiểu, vì sao nam sinh uốn tóc xoăn không được đến trường?
Tôi chợt nghĩ cháu tôi là trung tâm của câu chuyện nhưng chẳng phía nào, từ nhà trường hay người mẹ giải thích, làm sáng tỏ cho cháu hiểu vấn đề của mình. Cháu tôi không hiểu vì sao mình không có được sự tự do, thứ vốn dĩ thuộc về mình. Không ai giải thích cho cháu vì sao có cái quy định nam sinh thì không được uốn tóc để cháu tự hình thành nhận thức cho riêng mình.
Nhà trường cũng chẳng buồn kết hợp cùng gia đình thuyết phục cháu mà chỉ là thông báo, yêu cầu thực thi. Và cách phản kháng duy nhất của cháu là tự cắt tóc mình thành nham nhở thay vì ra tiệm sửa lại nó một cách đẹp đẽ hơn. Nhìn mái tóc ấy ai mà chẳng hiểu, cháu đã rất buồn, cháu đã chối bỏ, thậm chí thù ghét cái vẻ ngoài vốn dĩ rất dễ thương của mình.
Chúng ta luôn hô hào lấy học sinh làm trung tâm. Nhưng, không chỉ là chuyện mái tóc uốn xoăn của cháu tôi mà còn hàng loạt thứ liên quan đến trẻ, có bao nhiêu điều trong đó được cắt nghĩa để các con hiểu, để cùng nhau thực hiện?
Học sinh cứ mãi là những đứa trẻ ngoan ngoãn dưới mái trường. Người lớn cứ mãi nhân danh con trẻ mà hoạt động thì các con sẽ có được gì? Hãy đưa học sinh trở lại là trung tâm của giáo dục để các cháu tự nhận thức, cảm nhận được mình ngày càng lớn khôn và được tôn trọng thật sự. Đó chính là cái gốc của giáo dục.
Hoa Thông Thiên
Theo www.phunuonline.com.vn