Mỹ triển khai Aegis Ashore ở Ba Lan và biện pháp đáp trả 'cao tay' của Nga
Mỹ đang bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại Ba Lan, liệu hệ thống này sẽ ngăn chặn Nga hay là trở thành “miếng mồi” của Moscow?
Theo báo cáo của Defense World, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) mới đây tuyên bố, đã bắt đầu lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại căn cứ Redzikowo ở Ba Lan.
MDA cho biết trong một tuyên bố: "Quân đội Mỹ đã bắt đầu lắp đặt hệ thống vũ khí Aegis trên đất liền ở Ba Lan. Đây là một cột mốc quan trọng trong kế hoạch".
Căn cứ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ tại Ba Lan. Nguồn: Xinhua. |
Theo báo cáo, trước đây Mỹ đã rút khỏi hiệp ước phòng thủ chống tên lửa đạt được với Nga với lý do nước này cần xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu để chống lại các cuộc tấn công. Sau đó, Mỹ bắt đầu triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc.
Năm 2010, Nga bày tỏ quan ngại về việc NATO chấp thuận cho Mỹ thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Một số quốc gia, bao gồm Ba Lan, Romania, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đồng ý để Mỹ triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ này trên lãnh thổ của mình.
Theo Sputnik, Nga đã bày tỏ quan ngại về việc Mỹ bố trí các bệ phóng đa năng tại Romania và Ba Lan. Các bệ phóng này có thể phóng nhiều loại tên lửa và toàn bộ phần lãnh thổ của Nga ở châu Âu sẽ là mục tiêu của tên lửa hành trình Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, Nga lo ngại về việc Mỹ có kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Ba Lan vì những bước đi này nhằm phá vỡ sự ổn định chiến lược.
Nhà ngoại giao cấp cao Nga nhấn mạnh: "Đây là chủ đề chúng tôi thường xuyên quan tâm. Chúng tôi đã nhận thức được các kế hoạch triển khai này từ lâu. Chúng tôi coi đó là các bước nhằm phá vỡ sự ổn định chiến lược".
Aegis Ashore là phiên bản hoạt động trên đất liền đầu tiên của Hệ thống chiến đấu Aegis, hệ thống gồm các bộ phận phức tạp như: radar, trung tâm điều khiển hỏa lực, máy tính và tên lửa.
Hải quân Mỹ thường sử dụng radar SPY-1 và một tổ hợp tên lửa Standard Missile-3 trong các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên đất liền.
Hiện nay, các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore đã được triển khai trên lục địa Mỹ, ở châu Âu (ở Ba Lan và Romania) và ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Aegis Ashore là hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ, ban đầu được thiết kế cho hải quân Hoa Kỳ. Loại hệ thống này dùng tên lửa đánh chặn SM-3 với bệ phóng thẳng đứng Mk-41. Hệ thống đầu tiên đã được triển khai tại Devesela của Rumani, được triển khai để bảo vệ phía nam châu Âu. Tại Redsikovo của Ba Lan, hệ thống Aegis Ashore được xây dựng để bảo vệ Bắc Âu. Mỹ cũng đang dự định triển khai thêm hai hệ thống này tại Nhật Bản.
Ngoài tác dụng phòng thủ, hệ thống được triển khai ở Ba Lan có thể tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk. Sự xuất hiện của hệ thống phòng thủ Aegis Ashore ở Ba Lan sẽ cho phép NATO kiểm soát các hệ thống Topol-M của Nga ở khu vực Ivanovo, Kaluga và Saratov.
Không chỉ phản ứng mạnh mẽ trên phương diện ngoại giao, thời gian qua Nga cũng đã có các phương án chuẩn bị các biện pháp đáp trả thích đáng trên thực tế. Trong trường hợp xảy ra xung đột với NATO, các hệ thống ở Ba Lan và Rumani, cũng như các cơ sở hạ tầng khác của liên minh Bắc Đại Tây Dương sẽ trở thành mục tiêu số một của lực lượng tên lửa chiến lược Nga.
Ngoài ra, hệ thống tên lửa Iskander ở Kaliningrad hoặc tên lửa hành trình Kalibr của hạm đội Baltic cũng có thể tấn công vào Redzikowo. Bộ Quốc phòng Nga cũng đã và đang thay thế hệ thống Topol lỗi thời bằng các hệ thống tên lửa Yars tiên tiến hơn.
Các đầu tự dẫn của tên lửa này được trang bị đầu đạn phân mảnh, cho phép chúng tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng một lúc, khiến các hệ thống phòng thủ của đối phương khó đối phó. Những loại vũ khí siêu thanh này đang được trang bị trong các lực lượng quân đội Nga, đe dọa lực lượng phòng thủ của các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và NATO.
Những kiểu sơn độc lạ của ‘chim cắt bóng đêm’ F-117
Không nhiều người biết rằng, trước khi “Night hawk” F-117 huyền thoại Mỹ được phủ lớp sơn màu đen “thần thánh” thì đã có nhiều ý tưởng độc lạ được đưa ra.
Đức Trí (lược dịch)