Không tiền và việc làm, người dân Afghanistan mang đồ đạc trong nhà đi bán
Nhiều người dân Afghanistan phải mang đồ đạc trong nhà ra chợ bán để lấy tiền mua thức ăn nuôi sống cả gia đình, do họ đã mất công ăn việc làm.
Afghanistan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền mặt sau khi Taliban tràn vào thủ đô Kabul và giành quyền kiểm soát từ ngày 15/8. Trong hoàn cảnh này, nhiều người dân ở quốc gia Nam Á buộc phải bán cả đồ đạc trong nhà để có tiền mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Giờ đây, khắp thủ đô Kabul, hình ảnh người dân mang ra chợ bày bán mọi thứ có trong nhà từ giường ngủ, chăn màn, cốc chén và cả thiết bị nấu bếp đã dần trở nên quen thuộc.
“Tôi mang các đồ dùng trong nhà ra chợ để bán vì chúng tôi không còn việc làm. Chúng tôi buộc phải bán đồ trong nhà, không thì không có gì để mua thức ăn. Tôi tự hỏi liệu chính quyền Taliban có lo được công việc cho chúng tôi hay không, vì hiện tại chúng tôi không có công ăn việc làm. Ngày hôm nay chúng tôi bán những đồ đạc này, nhưng ngày mai liệu còn gì để bán“, Reuters dẫn lời anh Jamshid Jan.
Trong khi đó, các tổ chức tài chính quốc tế đã cho phong tỏa và ngăn chặn hoạt động tiếp cận các quỹ nước ngoài đối với Afghanistan, sau khi Taliban giành được quyền kiểm soát thủ đô Kabul.
Do số lượng tiền mặt được rút khỏi ngân hàng mỗi tuần chỉ có giới hạn, hàng trăm người Afghanistan được nhìn thấy phải xếp hàng nhiều ngày ở ngoài ngân hàng để chờ tới lượt. Nhưng không ít người không thể chịu được cảnh chầu chực rút tiền, họ đành ra về và nghĩ cách kiếm tiền để nuôi sống bản thân cùng gia đình.
“Tôi từng làm việc trong chính phủ, song hiện giờ số phận của chính phủ Afghanistan vẫn chưa rõ ràng. Đã một tuần nay tôi làm công việc mua và bán đồ cũ. Một số người đã phải bán đồ đạc trong nhà để có thể nuôi sống gia đình”, anh Ramin Ahmad, người buôn đồng nát nói.
Trên thực tế, nền kinh tế Afghanistan đã bắt đầu tụt dốc trước thời điểm Taliban giành quyền kiểm soát. Liên Hợp Quốc mới đây đã bày tỏ quan ngại về khả năng Afghanistan đứng trước nguy cơ “sụp đổ hoàn toàn”. Theo đó, 97% dân số Afghanistan có thể phải sống dưới mức nghèo vào giữa năm 2022.
Trong khi đó, Taliban hy vọng Trung Quốc và Nga sẽ là hai nhà tài trợ kinh tế giúp bù đắp khoảng trống, sau khi phương Tây rút quân và dừng viện trợ. Nhưng hiện tại, cả Bắc Kinh và Moscow dường như không đủ sức để bù được khoảng trống này.
Trước đây, phần lớn khoản chi cho hoạt động phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng ở Afghanistan kể từ năm 2001 là do nhiều nước trên thế giới hỗ trợ. Trong đó, Mỹ và các nhà tài trợ quốc tế chiếm tới 75% trong khoản chi phi quân sự của chính phủ Afghanistan trong những năm trước đây. Ngoài ra, Mỹ còn tài trợ 5,8 tỉ USD kể từ năm 2001 để giúp Afghanistan phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng.
Tình trạng tham nhũng tràn lan trong chính phủ Afghanistan đã đẩy nền kinh tế nước này tụt dốc. Theo bản báo cáo vào tháng Năm, 8 triệu USD bị biển thủ khỏi quốc gia này mỗi ngày. Tương đương với khoảng 3 tỉ USD bị tham nhũng mỗi năm ở Afghanistan.
Dân buôn vũ khí ở Afghanistan trúng mánh lớn nhờ Taliban
Kinh tế Afghanistan rơi vào khủng hoảng sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát, nhưng dân buôn vũ khí ở quốc gia này lại đang trúng mánh lớn.
Minh Thu (lược dịch)