Mỹ phẩm sản xuất 'chui' lên ngôi dịp cuối năm
Dịp cuối năm nhu cầu làm đẹp tăng cao cũng là lúc các cơ sở sản xuất mỹ phẩm tung ra thị trường hàng loạt các sản phẩm khác nhau với những quảng cáo đẹp sau một đêm sử dụng.
Các sản phẩm như kem trắng da, kem trị nám, trị mụn… đều được quảng cáo có công dụng tuyệt với giúp trắng da, sạch mụn.
Giá của các sản phẩm này cũng không hề rẻ. Tuy nhiên, người tiêu dùng không hề biết đây là các sản phẩm sản xuất 'chui', không được quản lý về chất lượng của sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Liên (thành phố Bắc Ninh) than thở chị vừa chi 5 triệu đồng mua bộ mỹ phẩm làm đẹp với hi vọng chỉ sau 1 lần sẽ tái tạo làn da.
Theo quảng cáo của người bán, chỉ cần 1 lần peel da lột hết lớp da xấu xí thì chị đã có thể trẻ hoá làn da ra hàng chục tuổi.
Chị Liên đã đồng ý mua sản phẩm peel da cộng với kem về chăm sóc và phục hồi da. Tuy nhiên, sử dụng peel theo hướng dẫn của người bán chị Liên tá hoả vì mặt bỏng rát, da đỏ, mặt sưng, mắt húp.
Hai ngày sau tình trạng đỡ nhưng da đỏ, kích ứng. Dù chị làm theo người bán nhưng tình trạng ngứa, rát vẫn không hết nên vội vàng lên viện khám.
Sản phẩm mỹ phẩm chị Liên mua được quảng cáo là hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng khi tìm hiểu ra thì không rõ công ty nào sản xuất.
Chị Liên mua vì tin người bán hàng và thấy da người bán hàng đã đẹp lên khi dùng sản phẩm này.
Mới đây, một cô gái trẻ ở Hà Nội nhập viện cấp cứu vì sau khi làm đẹp đón Tết. Cô gái đến 1 spa ở huyện Hoài Đức chăm sóc da, trẻ hoá da và kết quả mặt sưng phù, tuần sau thì mặt xuất hiện bóng nước và các loại mụn rộp mủ.
Cô gái trẻ vào viện với chẩn đoán viêm da kích ứng nặng. Khi quay lại bà chủ spa cho rằng do người sử dụng không biết chăm sóc còn sản phẩm của spa là hàng chất lượng cao.
Trường hợp khác là một bệnh nhân nữ ở Nghệ An sau khi bôi dưỡng chất trị nám và sản phẩm thay da sinh học mua qua mạng xã hội thì da mặt có cảm giác như bị châm chích, rát, thậm chí da bị đổi màu thâm sạm.
Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay, việc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng không chỉ khiến da nổi nhiều mụn mà những bệnh nhân bị biến chứng nặng có thể phải đối mặt với các triệu chứng phù nề, sẹo sâu, da mặt bị hủy hoại, thậm chí có trường hợp tử vong do nhiễm độc chì.
Tại một phóng sự của VTV, một buổi hội thảo giới thiệu về sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da có tác dụng trị nám, trắng da giúp hàng triệu phụ nữ Việt Nam có làn da đẹp.
Hội thảo không dành cho người tiêu dùng mà dành cho các đại lý tới để cùng góp tiền và mua sản phẩm về bán cho người tiêu dùng với những lời chào vô cùng hấp dẫn.
Người tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm có thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng. Mỗi đại lý phải bỏ ra từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng để nhập sản xuất và bán cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đại diện công ty cũng không cung cấp được thông tin nhà máy hay các thông tin cấp phép của sản phẩm từ cơ quan y tế.
Hồ sơ công bố sản phẩm cũng chỉ là vài thông tin chung chung do công ty Laza nộp tại Sở Y tế Hà Nội với thông tin là sản xuất từ công ty TNHH Mỹ phẩm Hunel.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế Hà Nội, sản phẩm công ty Laza lưu hành trên thị trường không phải nguồn gốc chính thức từ nhà sản xuất theo phiếu công bố đăng ký tại Sở Y tế Hà Nội.
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân không nên mua sản phẩm vì chưa được cơ quan y tế kiểm định.
Khánh Chi