Tàu tuần duyên USS Independence (LCS-2) kiểu tam thể của Mỹ.
Tờ “Giải phóng quân” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, hai nước Mỹ và Nhật Bản cùng phát triển tàu chiến tam thể kiểu mới (tàu tam thể là tàu 3 thân) tương tự tàu tuần duyên USS Independence của quân Mỹ. Động thái này làm cho tàu tam thể tiếp tục trở thành chủ đề được dư luận hết sức quan tâm.
Loại tàu này nhìn ngang thì giống tàu song thể (hai thân), nhìn dọc thì giống tàu đơn thể (một thân). Ngoại hình độc đáo của tàu tam thể đã làm cho nó được mệnh danh là “quái thú trên biển”.
Tàu tam thể có các đặc điểm như tốc độ cao, tính lướt sóng tốt, diện tích boong tàu lớn. Tàu tam thể có kết cấu độc đáo, tính năng tốt, triển vọng phát triển khả quan, ngay khi ra đời đã được các nước coi trọng.
Con cưng mới của biển
Hiện nay, tàu chiến hiện có của các nước trên thế giới phần lớn là tàu đơn thể, chỉ có số ít tàu như thuyền máy tên lửa kiểu mới là tàu dạng song thể.
So với tàu khu trục, hộ vệ thông thường, kiểu dáng tàu tam thể mỏng hơn, nên lực cản giảm rất nhiều khi chạy tốc độ cao, có thể tiết kiệm được 15-20% công suất so với tàu đơn thể.
Tàu tam thể mang tên USS Independence (LCS-2) của Mỹ
Tàu tam thể được kết hợp bởi 3 thân và cùng làm boong tàu, cùng nâng đỡ cho kiến trúc bên trên, cho nên diện tích boong tàu có thể cao hơn khoảng 50% so với tàu đơn thể lớp cùng loại, rất tiện lợi cho việc bố trí vũ khí và nơi cất/hạ cánh cho máy bay trực thăng, giảm được nhiễu điện từ giữa chúng.
Sức nâng (nổi trên mặt nước) của tàu tam thể đạt 80% trở lên, do thân chính tạo nên, lượng giãn nước của thân hai bên chủ yếu dùng để khắc phục những điểm yếu về tính ổn định của thân chính.
Lợi ích từ “thế chân vạc” như vậy đem lại tính ổn định và khả năng chống sóng rất tốt. Vì vậy, tàu tam thể được đặc biệt dùng làm tàu chiến mặt nước tốc độ cao và tàu khảo sát khoa học, cứu sinh đòi hỏi tính ổn định cao.
Tính năng tàng hình ưu việt cũng là một ưu điểm lớn của tàu tam thể. Do thân tàu dài nhỏ, chân vịt của tàu ít bị ảnh hưởng bởi lực cản dòng nước, làm cho khả năng dò tìm của thiết bị sonar đối phương giảm mạnh. Khí thải của khoang tàu có thể tản ra từ thân chính và thân hai bên, do đó giảm mạnh tín hiệu bức xạ nhiệt.
Chiều dài và chiều rộng lớn hơn của tàu tam thể có lợi hơn cho việc thiết kế tàng hình bề ngoài, cho dù thân hai bên bị tấn công cũng không bị mất thăng bằng và bị lật úp, vì vậy làm tăng khả năng sống sót cho tàu chiến mặt nước trên chiến trường.
Tàu tam thể do Nga thiết kế
Kiểu tàu tam thể ngày càng trở thành “con cưng” trong nghiên cứu chế tạo tàu chiến kiểu mới hiện nay. Các cường quốc hải quân như Anh, Mỹ thậm chí cho rằng “công nghệ tàu nhiều thân với đại diện là tam thể và ngũ thể (5 thân) sẽ làm thay đổi diện mạo hải quân thế kỷ 21”.
Anh, Mỹ dẫn trước
Anh là quốc gia nghiên cứu chế tạo tàu tam thể sớm nhất. Năm 2000, tàu tam thể đầu tiên trên thế giới được Hải quân Anh chi 13 triệu bảng để nghiên cứu chế tạo đã hoàn thành và hạ thủy, đây là chiếc tàu thử nghiệm mang tên Triton.
Sau đó, Đại học London đã đề xuất với Hải quân Anh về phương án thiết kế khái niệm áp dụng kiểu tàu tam thể đối với tàu tuần tra duyên hải, tàu hộ vệ săn ngầm, tàu hộ vệ hạng nhẹ, tàu khu trục phòng không, tàu sân bay cỡ nhỏ.
Hải quân Anh đã lựa chọn tàu hộ vệ tam thể, đồng thời có kế hoạch bắt đầu từ năm 2010 sử dụng tàu hộ vệ tam thể từng bước thay thế cho tàu hộ vệ Type 22 và 23. Ngoài ra, Hải quân Anh còn đề xuất lấy kiểu tàu tam thể làm nền tảng cho tàu hộ vệ tương lai được Anh, Đức và Hà Lan hợp tác thiết kế.
Tàu tam thể đầu tiên trên thế giới mang tên tàu thử nghiệm Triton, do Anh nghiên cứu chế tạo.
Mỹ sớm hợp tác với Anh nghiên cứu chế tạo tàu tam thể, từng cùng tham gia thử nghiệm tàu Triton, đã tiến hành ghi chép và phân tích đối với các dữ liệu như kết cấu thân tàu, hoạt động của tàu.
Sau đó, Mỹ độc lập tiến hành thiết kế khái niệm tàu tam thể, tàu tuần duyên kiểu tam thể được chế tạo xong năm 2008 mang tên USS Independence là tàu chiến kiểu tam thể thứ hai trên thế giới lớp 1.000 tấn trở lên, cũng là tàu chiến tam thể đầu tiên trên thế giới được chế tạo để chiến đấu thực tế.
Các nước như Nga, Indonesia cũng có cơ quan chuyên tiến hành nghiên cứu đối với tàu tam thể. Năm 2007, Nhật Bản đã công bố một phương án thiết kế tàu tam thể lớp 4.000 tấn.
Triển vọng tốt đẹp
Không còn nghi ngờ gì nữa, tàu tam thể trong tiến trình phát triển vẫn có tương đối nhiều vấn đề. Công nghệ chế tạo tàu tam thể rất phức tạp, đồng thời với tính ổn định tương đối tốt, vẫn đảm bảo lực bẩy (lực mô-men) uốn và xoắn tương đối lớn.
Tàu tuần tra tên lửa tàng hình tốc độ nhanh mới kiểu tam thể của Indonesia, có chiều dài là 63 m.
Để đảm bảo độ cứng/khả năng chịu đựng và cường độ cho nó, cần phải cải thiện chất liệu, gia tăng trọng lượng cấu kiện. Ngoài ra, độ rộng của tàu tam thể quá lớn dễ gây khó khăn cho việc rời cảng, thân chính của tàu tương đối dài nhỏ làm cho nó có khả năng điều khiển tương đối kém.
Nhưng, rất nhiều ưu điểm của tàu chiến tam thể đang thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các nước đối với nó. Lần này Mỹ-Nhật tiến hành hợp tác cũng chính là do nó có triển vọng tốt.
Có lẽ, trong tương lai không xa, cùng với việc từng bước khắc phục được những khó khăn công nghệ của tàu tam thể, mọi người sẽ nhìn thấy nhiều thành viên hơn của gia tộc “quái thú trên biển” này – tàu tuần tra, tàu khu trục, thậm chí tàu sân bay kiểu tam thể.
Trung Quốc được cho là đã sở hữu tàu tam thể.
Theo GDVN