Mỹ ‘ngả mũ’ trước màn phóng tên lửa của ‘Hiệp sĩ Nga’
Đội bay nổi tiếng “Hiệp sĩ Nga” vừa có màn trình diễn bằng tên lửa “có một không hai” trên bầu trời Kubinka.
Theo báo cáo của Thedrive/Mỹ, Đội bay nổi tiếng "Hiệp sĩ Nga" vừa tổ chức lễ chúc mừng 30 năm thành lập, nhân dịp này, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố video phô diễn kỹ năng bay chiến đấu của biên đội 6 máy bay chiến đấu của đội bay này. Đáng chú ý, trong video có tiết mục phóng tên lửa từ máy bay chiến đấu, điều này thể hiện năng lực thực hiện nhiệm vụ chiến đấu một cách tuyệt vời của phi công Nga.
Theo video được công bố, đội bay đã sử dụng máy bay chiến đấu 2 chỗ ngồi Su-30SM phối hợp với máy bay chiến đấu một chỗ Su-35 để thực hiện nhiệm vụ, màn biểu diễn được diễn ra ở căn cứ Kubinka, ngoại ô Moscow.
Đội bay Hiệp sĩ Nga là những nghệ sĩ nhào lộn trên không. Nguồn: Sina. |
Các máy bay chiến đấu Su-35 mới nhất bắt đầu được đội bay sử dụng vào năm 2020, dự kiến trong thời gian tới đội bay Hiệp sĩ Nga sẽ trình diễn kết hợp 2 loại máy bay chiến đấu khác nhau.
Một trong những màn trình diễn thú vị nhất trong video là một tên lửa dẫn đường hồng ngoại tầm ngắn bay qua cánh trái của một máy bay chiến đấu và đã để lại những chùm lửa trên không trung. Tên lửa này là R-73 hoặc R-74M càng hiện đại hơn, vì cả hai đều có bề ngoài rất giống nhau.
Thedrive nhấn mạnh, tiến hành phóng tên lửa không phải là hoạt động biểu diễn bình thường của đội bay Hiệp sĩ Nga. Cho đến nay, các đội biểu diễn bay của phương Tây vẫn không có khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thực tế trước khi được đưa ra tiền tuyến rèn luyện, nhất là việc phóng tên lửa biểu diễn.
Nhưng ở Nga, tình hình lại khác, các phi công của Đội biểu diễn Hiệp sĩ Nga không chỉ là phục vụ phô diễn kỹ năng mà còn có khả năng chiến đấu thực tế. Đơn vị này đã được biên chế cho Trung tâm Trình diễn Công nghệ Hàng không 237, và về mặt kỹ thuật, nó là một phần của lực lượng tác chiến tiền tuyến.
Những phi công mà đội biểu diễn sử dụng hoàn toàn có khả năng chiến đấu thực tế và khác hoàn toàn những phi công trong “những bức tranh lộng lẫy trên không của phương Tây và Mỹ”.
Thedrive cũng lưu ý, không giống như máy bay của đội biểu diễn quân sự Mỹ, các máy bay chiến đấu này của Nga không có máy tạo khói hoặc các sửa đổi lớn khác để phục vụ mục đích phô trương tại các triển lãm hàng không.
Ngoài Đội Hiệp sĩ, còn có Đội biểu diễn bay “chim én” sử dụng máy bay chiến đấu MiG-29 đóng tại căn cứ Kubinka. Điều thú vị là ngoài những máy bay chiến đấu được công khai, căn cứ Kubinka cũng được triển khai một số máy bay bí mật, chẳng hạn như máy bay thu thập thông tin tình báo Il-20 đã vô tình bị bắn rơi trên bầu trời Syria vào tháng 9/2018.
Kể từ năm 2009, Trung tâm hàng không Lipetsk chịu trách nhiệm đánh giá và thử nghiệm các máy bay quân sự mới của Nga, cũng như phát triển các chiến thuật và kế hoạch huấn luyện. Do đó, là một phần trong nhiệm vụ đào tạo của trung tâm, hoạt động biểu diễn của các phi công trong Đội Biểu diễn Hiệp sĩ Nga cũng có thể được coi như là một lần giảng dạy thực tế cho các phi công trẻ.
Ngoài ra, các phi công của Đội Hiệp sĩ và Đội Chim én dự kiến sẽ đảm nhận các nhiệm vụ chiến đấu khi cần thiết, vì vậy họ thực hiện huấn luyện chiến đấu hàng ngày giống như các đơn vị hàng không tiền phương khác ở Nga.
Là một phần của khóa đào tạo, những phi công này có cơ hội thường xuyên bắn vũ khí bằng đạn thật. Do cả Su-30SM và Su-35 đều là máy bay chiến đấu đa năng nên phi công phải sử dụng thành thạo các loại vũ khí không đối không và không đối đất.
Đội bay Hiệp sĩ Nga gồm những phi công có kỹ năng đẳng cấp thế giới. Nguồn: Sina. |
Mùa xuân năm 1989, Phi đội 1 Trung tâm giới thiệu Trang thiết bị Hàng không (lúc đó là Trung đoàn Hàng không Tiêm kích 234) nhận vào biên chế máy bay tiêm kích thế hệ 4 Su-27. Các phi công nhanh chóng làm chủ kỹ thuật mới và bắt đầu bay theo đội hình "hình thoi".
Các phi công đầu tiên là Anatoly Arestov, Alexander Dyatlov, Ivan Kirsanov và Vladimir Bukin. Không dễ dàng gì để nhóm thực hiện “thuật bay”. Lý do chính là kích thước và trọng lượng (và do đó là quán tính) của Su-27 (chiều dài - gần 22 m, sải cánh - gần 15 m, trọng lượng cất cánh - 30 tấn), và cả đặc tính khí động học tuyệt vời của máy bay.
Đầu năm 1991, đội nhào lộn trên không gồm 6 máy bay được thành lập. Nhóm trưởng là Vladimir Basov. Họ quyết định đặt cho đơn vị mới một tên gọi dễ nhớ. Trong số tất cả các lựa chọn, đã dừng lại ở từ "Vityaz" ("Hiệp sĩ") - cách gọi chiến binh chuyên nghiệp dưới thời nước Nga cổ.
“Hiệp sĩ” trở thành biểu tượng của tinh thần chiến đấu cao nhất, sức mạnh thể chất, sự quý phái và nam tính. Bộ đồ bay đặc biệt được may riêng cho các phi công của nhóm, màu sắc tươi sáng sơn cho những chiếc máy bay. Và ngày 5 tháng 4 năm 1991, đội nhào lộn trên không sử dụng máy bay chiến đấu - "Hiệp sĩ Nga", chính thức xuất hiện.
Giữa những năm 2010, những chiếc Su-27 trong đội bay đã hết thời hạn phục vụ. Mùa thu năm 2016, “Hiệp sĩ Nga” nhận được hai lô máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4 Su-30SM mới. Tháng 10 năm 2018, ở tuổi 30, nhóm bay thực hiện chuyến bay thẳng Kubinka-Krasnoyarsk (hơn 3.500 km) với việc tiếp nhiên liệu trên không từ máy bay Il-78.
Ngày 21/3/2019, trên đường sang Malaysia tham dự triển lãm LIMA-2019, 5 chiếc Su-30SM và vận tải cơ Il-76 đi cùng hạ cánh kỹ thuật xuống sân bay quốc tế Nội Bài. Tháng 11/2019 và vào mùa hè năm 2020, phi đội “Hiệp sĩ Nga” được bổ sung các máy bay chiến đấu thế hệ 4 ++ Su-35S. Đội hình bay nổi tiếng thế giới là đội hình "Viên kim cương Kubinka" với 5 chiếc Su-30SM và 4 chiếc MiG-29.
Video Đội bay Hiệp sĩ Nga “nhào lộn” với tên lửa trên không:
Đức Trí (lược dịch)