Mỹ "gấp rút" củng cố căn cứ Thái Bình Dương phòng Trung Quốc
Căn cứ Không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam |
Hành động củng cố các căn cứ quân sự tại khu vực Thái Bình Dương là một phần trong chính sách trục châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama, bao gồm việc xây dựng một căn cứ phía bắc Australia.
Lâu nay, hệ thống tên lửa của Trung Quốc trở thành mối lo ngại với các chiến lược gia Mỹ bởi Bắc Kinh có thể sử dụng tên lửa để ngăn chặn hoạt động tiếp cận khu vực châu Á – Thái Bình Dương bằng hệ thống tàu thuyền, máy bay và điều binh sĩ của Mỹ.
Theo giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương RAND - Michael Lostumbo, hiện nay, các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc được đánh giá là một trong những mối "đe dọa nguy hiểm nhất" với mọi căn cứ quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Một bản báo cáo của RAND cho thấy 90% căn cứ quân sự của Mỹ nằm trong phạm vi 1.080 hải lý của Trung Quốc – khoảng cách được liệt vào mối đe dọa nghiêm trọng.
"Chúng tôi so sánh mức độ đe dọa tại Thái Bình Dương với các khu vực khác. Toàn bộ các căn cứ quân sự tại Thái Bình Dương hiện đang nằm trong phạm vi tấn công của hệ thống tên lửa đạn đạo Trung Quốc", ông Lostumbo nói.
Theo RAND, Mỹ có 3 lựa chọn để loại trừ các mối đe dọa từ lực lượng tên lửa Trung Quốc bao gồm: di chuyển các căn cứ khỏi phạm vi tấn công của tên lửa, tăng cường sức bền của các kho chứa máy bay và di tản máy bay nhằm giới hạn tối đa mức độ thiệt hại nếu bị tấn công.
Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho hay các chiến lược gia Lầu Năm Góc hiện đang tái thiết nhiều căn cứ như Kadena trên đảo Okinawa bởi căn cứ này được đánh giá là dễ bị Trung Quốc tấn công nhất.
Một số căn cứ hiện đang được quân đội Mỹ đầu tư phát triển tại châu Á:
Darwin, Australia
Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đang được tăng cường tới căn cứ Darwin. Hồi năm ngoái, Mỹ đã lần đầu tiên điều 200 lính thủy đánh bộ tới căn cứ này. Theo phát ngôn viên lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ - Đại úy Eric Flanagan, 2.500 binh lính Mỹ đang được luân chuyển tới căn cứ Darwin tham gia lực lượng không quân.
Đảo Guam
Theo Cơ quan Nghiên cứu quốc hội, kể từ năm 2000, Lầu Năm Góc đã liên tục tăng cường lực lượng tới vùng cực tây lãnh thỗ Mỹ. Trong đó, khoảng 8.000 binh sĩ thuộc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đang được điều động tới căn cứ đảo Guam.
Trong bản báo cáo ngày 15/11, Cơ quan Nghiên cứu quốc hội Mỹ nói rõ việc củng cố căn cứ đảo Guam và tổ chức các cuộc tập trận quân sự thường xuyên nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ phía Trung Quốc.
Hiện nay, đảo Guam là nơi cư trú của hai căn cứ quan trọng của Mỹ bao gồm: căn cứ Apra phục vụ Hải quân và căn cứ Anderson cho Không quân.
Trong đó, Lầu Năm Góc lo ngại đảo Guam sẽ bị các tên lửa của Trung Quốc và Triều Tiên tấn công. Ngoài ra, Mỹ còn đầu tư hàng trăm triệu USD để tăng độ bền cho các bể chứa nhiên liệu và nhà chứa máy bay.
Lực lượng Không quân Mỹ hiện đang nghiên cứu một "cơ sở vững chãi" chứa các máy bay ném bom, máy bay vận tải và máy bay tiếp dầu. Nhà chứa này được thiết kế với phần mái bê tông dày hơn 1 m.
Phát biểu trước Quốc hội, trong tháng 11, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ - Tướng Mark Welsh cho biết chỉ huy lực lượng binh sĩ Mỹ tại Thái Bình Dương đã yêu cầu tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của đối phương. Theo ông Welsh, chi phí củng cố hạ tầng phòng thủ tiêu tốn khoảng 256 triệu USD.
"Việc củng cố các căn cứ trên đảo Guam nhằm tăng khả năng chống chọi của đảo Guam trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ hệ thống tên lửa đất đối đất", ông Welsh nói.
Đảo Tinian và Saipan
Lầu Năm Góc cho biết hai hòn đảo Tinian và Saipan nằm trên khu vực Bắc Thái Bình Dương thuộc lãnh thổ Mỹ và gần đảo Guam là một trong những khu vực được lựa chọn làm nơi chứa máy bay được di tản khỏi các căn cứ quân sự khác.
Không quân Mỹ đã chi 115 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo Saipan phục vụ cho hoạt động tập trận và hạ cánh khẩn cấp cho máy bay Mỹ khi gặp thời tiết xấu.
Lâu nay, hai hòn đảo Tinian và Saipan giữ vị trí quan trọng chiến lược đối với quân đội Mỹ. Trong Thế chiến thứ hai, quân đội Mỹ đã chiếm hai hòn đảo này từ tay quân đội Nhật Bản vào năm 1944 và thành lập căn cứ chứa máy bay ném bom B-29 trên đảo Tinian, chuyên tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào Nhật Bản.
Vào tháng 8/1945, từ đảo Tinian, 2 máy bay mang tên Enola Gay và Bock’s Car đã mang theo bom nguyên tử và ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki.