Mỹ dự định triển khai quân đội ở ‘sân sau của Nga’
Theo các nguồn tin của Avia.pro, vài nghìn lính Mỹ có thể đóng quân ở Uzbekistan hoặc Tajikistan thời gian tới.
Gần đây, Mỹ công bố ý định triển khai vài nghìn binh sĩ gần biên giới của Nga. Việc triển khai quân đội Mỹ được lên kế hoạch ở hai khu vực trên lãnh thổ của Tajikistan hoặc trên lãnh thổ của Uzbekistan. Mỹ dự kiến chuyển quân đến các khu vực này từ Afghanistan, tuy nhiên chưa rõ thời gian cụ thể.
Hệ thống căn cứ quân sự Mỹ ở nước ngoài như một “mạng nhện khổng lồ” phủ kín địa cầu. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ) |
Avia.pro nhận định, vấn đề mấu chốt hiện nay là ảnh hưởng rất lớn của Nga trong khu vực, tuy nhiên, Mỹ tin rằng nhiệm vụ đó là có thể giải quyết được, ít nhất là theo The Wall Street Journal, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang đàm phán về vấn đề này.
“Các chiến lược gia quân sự Mỹ đang tìm kiếm các phương án triển khai lực lượng và trang thiết bị ở Trung Á và Trung Đông sau khi lực lượng Mỹ và đồng minh rời Afghanistan trong những tháng tới. Một số quan chức quân đội trong chính quyền ông Biden đã lập luận rằng Uzbekistan và Tajikistan, giáp biên giới với Afghanistan sẽ cung cấp khả năng tiếp cận quân sự nhanh chóng cho khu vực này”, The Wall Street Journal cho biết.
Tuy nhiên, The Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, sự hiện diện quân sự lớn của Nga trong khu vực, cũng như sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ khiến khu vực này căng thẳng hơn và đang làm phức tạp thêm kế hoạch đặt căn cứ ở Trung Á của Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định, mức độ mà các nước thuộc Liên Xô cũ quan tâm đến các kế hoạch của Washington vẫn chưa được rõ ràng, với thực tế là Tajikistan đã tăng cường hợp tác quân sự với Nga, khả năng cao là Mỹ sẽ xuất hiện quân đội tại Uzbekistan.
Theo Politico, hiện nay, Mỹ là quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới, với mạng lưới căn cứ quân sự ở nước ngoài nhiều hơn bất cứ nước nào, bất cứ lực lượng nào trong lịch sử nhân loại.
Cụ thể, Washington đang vận hành khoảng 800 căn cứ quân sự trên khắp thế giới, là các khu vực đồn trú của xấp xỉ 230 nghìn binh sĩ. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ duy trì hơn 154 nghìn binh sĩ, trong đó bao gồm 50 nghìn binh sĩ tại 109 căn cứ ở Nhật Bản, 28 nghìn binh sĩ làm nhiệm vụ tại 85 căn cứ ở Hàn Quốc. Tại châu Âu, “xứ cờ hoa” có 65 nghìn binh sĩ đồn trú tại 350 căn cứ, trong đó có 58 căn cứ ở Italy và gần 180 căn cứ trên lãnh thổ Đức.
Mới đây, kể từ 1/5, quân đội Mỹ chính thức triển khai rút 2.500 binh sĩ còn lại ra khỏi Afghanistan theo lệnh của Tổng thống Joe Biden hồi tháng 4 sẽ hoàn thành trước dịp kỷ niệm 20 năm vụ tấn công ngày 11/9.
Trước đó, quân đội Mỹ đã bàn giao một số căn cứ cho lực lượng Afghanistan kể từ khi Washington ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Taliban vào năm 2020, mở đường cho việc rút các lực lượng nước ngoài.
Tại sao Mỹ lại ‘sợ hãi’ trước pháo Nga?
Tạp chí National Interest của Mỹ từng nhận định khẩu pháo hải quân tự động AK-130 với cỡ nòng 130 mm của Nga là một trong những ví dụ điển hình về vũ khí pháo hiện đại được sử dụng trên tàu chiến.
Thanh Bình (lược dịch)