Nga và Mỹ lại thất bại trong nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân
Nga và Mỹ hôm qua (16/10) bác bỏ đề xuất của nhau về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (NEW START).
Đây là thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn hiệu lực giữa hai nước sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung hồi năm ngoái. Theo các nhà phân tích, rào cản lớn nhất giữa Nga và Mỹ vẫn là lòng tin và trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cả hai bên dường như đều không sẵn sàng thực hiện bất kỳ bước đi mạo hiểm nào.
Trước đề xuất của Mỹ gia hạn thêm 1 năm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (NEW START) đi kèm với việc áp đặt giới hạn rộng hơn đối với các đầu đạn hạt nhân, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, ông không thấy có vấn đề gì với việc gia hạn hiệp ước, song không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Ông Putin đồng thời cho biết Nga sẵn sàng đưa vào thỏa thuận những vũ khí hạt nhân mới nhất, mà một trong số đó đang được triển khai:“Sẽ rất đáng tiếc nếu NEW START biến mất và không được thay thế bằng một văn kiện cơ bản tương tự khác. Trong suốt những năm qua, hiệp ước đã phát huy tác dụng và đóng vai trò nền tảng trong việc kiềm chế chạy đua vũ trang và kiểm soát vũ khí. Nga có những hệ thống vũ khí mới mà người Mỹ không có và chúng tôi cũng sẵn sàng thảo luận về vấn đề này”.
Trong khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien gọi đề xuất là “không thể chấp nhận”, thì nhà đàm phán kiểm soát vũ khí hàng đầu Marshall Billingslea ngay lập tức đổ lỗi cho Nga khi bỏ lỡ “ một cơ hội lịch sử”. Ông đồng cảnh báo Nga nên suy nghĩ lại lập trường trước khi nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém có thể xảy ra. Các quan chức chính quyền Mỹ từng nhiều lần đề cập việc xây dựng lực lượng hạt nhân nếu hiệp ước bị hủy bỏ.
Trong tháng cuối cùng trước khi bước vào cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 3/11, ông Trump đang tìm cách “làm đẹp” hồ sơ đối ngoại của mình. Mặc dù tuyên bố ủng hộ việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, nhưng cũng giống như cách Washington rút ra khỏi nhiều văn kiện quốc tế trong những năm gần đây, nhà lãnh đạo Mỹ đã gọi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (NEW START) là một sai lầm và gây bất lợi cho nước Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nhấn mạnh:"Chúng tôi hoan nghênh mọi cơ hội nhằm đi tới một thỏa thuận dựa trên những hiểu biết đã đạt được trong vài tuần qua về vấn đề gia hạn NEW START và một kết quả có lợi cho toàn thế giới, tăng tính ổn định của hầu hết các vũ khí nguy hiểm. Chúng tôi đang làm việc chăm chỉ”.
Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, người từng giữ chức phó Tổng thống Mỹ khi NEW START được đám phán dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, đã tuyên bố, ông sẽ không ngần ngại đồng ý với đề xuất ban đầu của Tổng thống Nga Putin nhằm gia hạn hiệp ước thêm 5 năm và tiếp theo đó là đàm phán về một thỏa thuận mới.
Tuy nhiên, thực tế là việc Chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu giới hạn hay đóng băng toàn bộ đầu đạn hạt nhân đã khiến nhiều nhà phân tích Mỹ bối rối. Một phần vì số lượng vũ khí đó đã được được giữ ổn định trong hơn 1 thập kỷ qua. Chuyên gia William J.Perry, từng là bộ trưởng Quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton cho rằng, lập trường của Mỹ hiện nay có thể là “một chiêu trò chính trị trong nước” trước cuộc bầu cử ngày 3/11.
Sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ươc Các Lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 vào năm 2019, NEW START đã trở thành thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn có hiệu lực giữa hai nước.
Theo vov.vn
Chùm ảnh một tuần tràn ngập sự kiện nổi bật khắp thế giới
Những hình ảnh nổi bật dưới đây ghi lại các sự kiện nóng và đặc sắc nhất trên khắp thế giới tuần qua.