Một số mô hình học tập giúp cụ thể hóa việc học tập suốt đời
Mô hình cộng đồng học tập cấp xã nhằm động viên, khuyến khích phong trào xây dựng "Cộng đồng học tập" cấp xã, từ đó góp phần tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự nghiệp giáo dục mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng các phong trào thi đua khuyến học là cuộc vận động có nhiều ý nghĩa sâu sắc, bền vững, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong cộng đồng dân cư và toàn xã hội.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, trong 10 năm qua, Hội khuyến học các cấp đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành Giáo dục trong công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục; vận động học sinh ra lớp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học; giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; khuyến khích học sinh, sinh viên học giỏi trên các lĩnh vực,...
Ảnh minh họa |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thì nâng cao giáo dục đào tạo bằng các mô hình học tập là con đường đi đúng đắn. Bốn mô hình học tập được cụ thể hoá thời gian vừa qua là cơ sở để cung cấp dịch vụ giáo dục tốt, thúc đẩy phong trào khuyến học phát triển hơn nữa.
Có 3 quan điểm quan trọng trong quá trình nâng cao giáo dục đào tạo bằng các mô hình học tập: Thứ nhất, mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi học tập một cách tử tế và có chất lượng. Thứ 2, mọi tổ chức đơn vị, cơ quan tạo điều kiện thuận lợi cho công dân học tập. Thứ 3 là tiếp tục xây dựng xã hội học tập trên cơ sở đồng bộ, chính quy, thường xuyên, tạo ra môi trường học tập.
Hiện nay, hai tỉnh Vĩnh Phúc, Đồng Tháp đã xây dựng thành công mô hình đơn vị học tập, chia thành các nhóm tiêu chí, điều kiện thuận lợi, kết quả học tập thành viên có hiệu quả, có sản phẩm, hiệu quả mô hình và chất lượng năng lực có tiến bộ hay không.... Mô hình học tập này còn tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức, cá nhân đầu tư cho phong trào học tập.
UBND tỉnh Đồng Tháp có hoạt động kiểm tra, kế hoạch triển khai và Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện đánh giá, xếp loại từng đơn vị học tập, trong khi đó đa phần các địa phương khác đều chưa làm được điều này.
Chính vì thế, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thì cần thực hiện nghiêm túc Thông tư 22 về đánh giá, xếp loại, nhất là ý nghĩa vai trò xây dựng xã hội học tập. Các sở giáo dục đào tạo phải đề xuất với tỉnh về cơ chế, kinh phí để có điều kiện công dân học tập. Cùng với đó, một số các cơ quan có chương trình học tập pháp luật vào ngày giờ cụ thể là một phương pháp tốt.
Bộ GD&ĐT dự kiến xây dựng thêm 3 thông tư mới, hướng dẫn các đơn vị đạt mục tiêu công dân học tập, quận huyện, tỉnh thành phố học tập, tổ chức tổng kết đánh giá các tiêu chí, tiếp thu ý kiến các đơn vị, triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đưa ra một số mô hình cơ sở giáo dục và các mô hình học tập cụ thể hóa việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở:
Thứ nhất, mô hình các cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: Trung tâm giáo dục thường xuyên; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; Trung tâm học tập cộng đồng; Các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên.
Thứ hai, mô hình cộng đồng học tập cấp xã nhằm động viên, khuyến khích phong trào xây dựng "Cộng đồng học tập" cấp xã, từ đó góp phần tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
Thứ ba, mô hình đơn vị học tập cấp huyện, cấp tỉnh áp dụng đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; cơ quan tham mưu, giúp việc huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ, thành ủy trực thuộc tỉnh uỷ, thành ủy; cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh… và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thứ tư, mô hình đơn vị học tập dành cho các cơ sở giáo dục đại học với mục tiêu tạo cơ hội và điều kiện cho thành viên trong các cơ sở giáo dục đại học được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
Thứ năm, mô hình thành phố học tập với mục tiêu đưa ra các đặc trưng cơ bản của tỉnh/thành phố học tập với bộ tiêu chí được xây dựng trên cơ sở kế thừa, sử dụng kết quả của các bộ tiêu chí đã ban hành và tham khảo, tiếp thu có chọn lọc từ các bộ tiêu chí của các nước trên thế giới từ Bộ tiêu chí Thành phố học tập của UNESCO.
Hoàng Thanh