Một loạt quận huyện Hà Nội “đổi màu” cấp độ dịch, khẩn trương hướng dẫn điều trị F0 tại nhà
Sau một tuần với các ca mắc Covid-19 mới, trong đó có các ca cộng đồng tăng liên tục, một loạt quận huyện ở Hà Nội đã “đổi màu” cấp độ địch.
Một loạt quận, huyện “đổi màu” cấp độ dịch
Tối 3/12, UBND thành phố Hà Nội có Thông báo số 824/TB-UBND về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo kết quả đánh giá cấp độ dịch mới nhất được cập nhật tới 9h ngày 3/12, Thủ đô có điều chỉnh cấp độ dịch thuộc cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường so với báo cáo đánh giá 7 ngày trước.
Một loạt quận huyện “đổi màu” cấp độ dịch, Hà Nội khẩn trương xây dựng phương pháp khi điều trị tại nhà |
Cụ thể, hiện thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng) trong phòng, chống dịch Covid-19 như cách đây một tuần. Cùng với đó, 7 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp tương ứng với màu xanh), giảm 12 quận, huyện so với công bố vào ngày 26/11; 23 quận, huyện ở cấp độ 2 (tăng 12 quận, huyện).
Về cấp xã, phường, có 523 địa phương ở cấp độ 1 (giảm 12 xã, phường); 53 địa phương ở cấp độ 2 (tăng 11 xã, phường) và 3 phường ở cấp độ 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam) (tăng 1 phường) và không có địa bàn nào cấp độ 4.
Trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận 4.650 ca cộng đồng, tương ứng với tỷ lệ 28 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần.
Như vậy, hiện thành phố vẫn ở cấp độ 2.
Trong đó có 7 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1 gồm: Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất và Ứng Hòa; 23 quận, huyện còn lại ở cấp độ 2.
Ngoài ra, trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn thành phố có 3 phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng, gồm: Phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng); phường Khâm Thiên (quận Đống Đa) và phường Trung Phụng (quận Đống Đa). Theo đánh giá cấp độ dịch, 3 phường này ở cấp độ 3.
Còn lại, trong số 576 xã, phường, thị trấn, có 523 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1 và 53 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2. Hiện, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố là 94,2% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu là 70%); tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vắc xin là 82,33% (đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%).
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 11.665 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 4.833 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 6.832 ca.
Bám sát diễn biến dịch do biến chủng Omicron gây ra
Trước đó, tại công điện do Chủ tịch UBND TP ban hành vào tối ngày 2/12 cũng đã chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và hướng dẫn của Bộ Y tế, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vắc xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới.
Đồng thời Sở Y tế cũng có nhiệm vụ hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương có diễn biến dịch phức tạp và chủ động triển khai các biện pháp phù hợp điều trị sớm các trường hợp nhiễm mới để hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Khẩn trương triển khai và hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 1-12-2021 của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị.
Trên cơ sở phương án cách ly, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 (đảm bảo các điều kiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế), hướng dẫn danh mục các loại thuốc, phương pháp điều trị và xử lý các tình huống khi điều trị tại nhà; xây dựng quy trình, phổ biến rộng rãi đến toàn bộ người dân để sẵn sàng chuẩn bị trong mọi tình huống, hoàn thành trước ngày 5/12/2021.
Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai phần mềm quản lý việc thu dung, điều trị F0 tại các cơ sở thu dung, cơ sở y tế và tại nhà, hoàn thành trước ngày 4/12/2021 để triển khai trên toàn địa bàn thành phố.
Chỉ đạo tăng cường phân luồng các bệnh viện của thành phố, hệ thống y tế ngoài công lập, các cơ sở xét nghiệm đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế về các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để triển khai phương án đáp ứng thu dung điều trị và cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người nhiễm Covid-19 theo Kế hoạch của UBND thành phố, hoàn thành chậm nhất trong ngày 5/12/2021.
Sở Y tế Hà Nội cũng chịu trách nhiệm chuyên môn trong việc điều trị, phân tuyến và xử lý khi số ca bệnh tăng cao, kiểm soát đối với các ca bệnh chuyển tầng điều trị, thường xuyên báo cáo và cập nhật tình hình điều trị F0 trên địa bàn thành phố.
N. Huyền