"Mong trả lại xã hội những nụ cười"
"Mong trả lại xã hội những nụ cười"
Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, phóng viên Infonet có cuộc nói chuyện với bác sĩ Mai Trọng Khoa, PGĐ bệnh viện Bạch Mai. Là Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và điều trị u bướu kiêm chủ nhiệm bộ môn Y học hạt nhân Trường ĐH Y Hà Nội nên TS Khoa luôn bận rộn, khó khăn lắm tôi mới xin được thời gian giữa giờ nghỉ trưa để nói chuyện với anh.
![]() |
Bác sĩ Khoa (ảnh bên trái) luôn bận rộn với công việc |
Dù đã quá trưa, BS Khoa vẫn xin lỗi và mong tôi chờ thêm ít phút vì anh vẫn còn dở việc. Nhìn dòng người trên tay cầm y bạ ngược xuôi dưới sân viện, nghe thấy tiếng còi cấp cứu kêu rú liên tục từ cổng viện vào lúc này, tôi chợt hiểu nếu một ngày không có bác sĩ, những con người khát khao được sống khỏe mạnh kia sẽ thế nào.
Bác sĩ Khoa từ chối nói về bản thân vì cho rằng mình chỉ cố gắng làm tốt nhất công việc giống như bất cứ ai, ở bất cứ ngành nghề nào. Tuy nhiên anh Khoa đã tâm sự với Infonet về mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ và cho rằng đây là mối quan hệ hữu cơ, không thể tách rời thế nhưng đây cũng là mối quan hệ khó khăn và vô cùng nhạy cảm.
Nâng cao văn hóa ứng xử của nhân viên y tế
Trong khi trình độ chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam không thua kém, thậm chí trong một số lĩnh vực chuyên khoa còn nhỉnh hơn các đồng nghiệp ở một số nước khác, vẫn có một lượng không nhỏ bệnh nhân đi ra nước ngoài chữa bệnh ở các nước láng giềng. Hàng ngày, hàng giờ luôn có những người bệnh trách móc nhân viên y tế về việc thiếu nhiệt tình và chưa thực sự quan tâm họ khi tới khám.
Trước hết, chúng tôi xác định rằng các cán bộ y tế cần nâng cao ý thức, tư duy cũng như văn hóa ứng xử trong chăm sóc bệnh nhân. Nhân viên y tế phải làm sao để người bệnh cảm nhận được sự ân cần chu đáo của các nhân viên y tế, giảm bớt cho họ mặc cảm bệnh tật.
Rõ ràng với điều kiện làm việc quá tải ở nhiều bệnh viện, nhiều nhân viên khó tránh khỏi sự căng thẳng, mệt mỏi, kiệt sức nên có nhiều người dễ bị cáu gắt, chểnh mảng và sai sót. Nhưng nếu họ điều tiết được cảm xúc của mình, niềm nở với bệnh nhân hơn nữa, bệnh nhân sẽ tin yêu bác sĩ hơn, tâm lý họ và những người chăm sóc họ cũng đỡ tủi thân vất vả.
Nói tới vất vả của nhân viên y tế, có thể làm một thí nghiệm nhỏ: thử đứng từ 7h sáng đến khoảng 12h trưa tiếp vô số bệnh nhân khác nhau, trả lời vô số câu hỏi, hoặc liên tục chạy đi chạy lại trong bệnh viện rộng lớn đưa rước bệnh nhân thì xem liệu người làm thí nghiệm có cười nổi không?
Mà ví dụ tôi vừa nêu chỉ là một công việc tiếp bệnh nhân, tương đối đơn giản so với công việc của y tá hay bác sĩ, chịu trách nhiệm chăm sóc cứu chữa và chịu trách nhiệm với tính mạng người bệnh. Nhiều bác sĩ và kíp mổ làm việc liên tục trong hàng giờ với những ca phẫu thuật kéo dài, liên tục hết ca này đến ca khác, để giành giật với tử thần từng cơ hội sống cho người bệnh.
Nhưng tôi vẫn nhấn mạnh, dù trong bất cứ trường hợp nào, nhân viên y tế cũng phải cải thiện ngay thái độ và hành vi với bệnh nhân, ngược lại chúng tôi cũng mong muốn xã hội dành cho cán bộ y tế một thời gian nhất định để thay đổi.
Người bệnh luôn đúng?
![]() |
Mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân là mối quan hệ tương hỗ, không thể tách rời |
Người tới bệnh viện thì mỗi người mỗi văn hóa ứng xử khác nhau. Những người thông cảm, hiểu sự vất vả của ngành y thì góp ý chân thành với y bác sĩ nhưng cũng có người, với nhiều lí do riêng mà giao tiếp, hành xử với các y bác sĩ thiếu thiện chí, lỗ mãng, thậm chí côn đồ.
Thực tế người bệnh đòi hỏi rất nhiều ở bệnh viện: đến bệnh viện phải được khám ngay, sau khi khám phải được điều trị ngay, được điều trị phải khỏi ngay, điều trị nhưng chi phí thì không cao. Tôi cho đó là mong muốn rất chính đáng của họ. Khi có bệnh, người ta chỉ biết trông mong, bấu víu vào bác sĩ để mưu cầu sự sống hay chỉ để chữa một cái răng sâu.
Vậy bác sĩ y tá chúng tôi mong đợi điều gì ở bệnh nhân, có phải những người thầy thuốc cứu người đã thực sự được tôn trọng?
Chắc ít người biết, bác sĩ chúng tôi không chỉ đứng trước nguy cơ bị phơi nhiễm vô số các căn bệnh vô phương cứu chữa khi điều trị cho bệnh nhân mà còn thường xuyên bị những kẻ côn đồ nguy hiểm tấn công, đe dọa tính mạng.
Gần đây nhất, một nhân viên y tế trong viện bị người nhà bệnh nhân mà cán bộ đang cấp cứu hành hung tới ngất xỉu, các y tá trong viện cũng bị những người này tấn công chỉ vì họ nghĩ các bác sĩ đã không thực hiện những thủ thuật y tế (mà họ cũng không biết những thủ thuật đó giúp gì cho người bệnh).
Đồng nghiệp của chúng tôi ở các khoa cấp cứu thường xuyên phải đối mặt với cảnh người nhà bệnh nhân đe dọa. Thậm chí nhiều nhóm xã hội đen sau khi “thanh toán” lẫn nhau đã lôi kéo cả nhóm vào bệnh viện, đòi cấp cứu rồi dọa giết BS.
Chúng tôi làm nghề y, luôn tiếp nhận sự đau đớn của người bệnh và chỉ mong trả lại xã hội những nụ cười, những cơ thể khỏe mạnh. Chỉ cần người bệnh hiểu, tôn trọng và hợp tác, tôi tin rằng các nhân viên y tế cũng sẽ sớm thay đổi hành vi thái độ ứng xử của mình.
Hương Trà