Mong muốn một "con đường gốm sứ" mới lưu giữ dấu ấn Hà Nội
Con đường gốm sứ đã để lại những ấn tượng đẹp với người dân Hà Nội suốt gần 10 năm qua. Công trình đang bị tháo dỡ, nhường mặt bằng cho dự án mở rộng đường Âu Cơ đến cầu Nhật Tân.
Công trình đạt kỷ lục Guinness
Con đường gốm sứ ven đê sông Hồng dài gần 4km với diện tích khoảng 6.500m2, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Đây là tác phẩm độc đáo chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010).
Dự án đã tái hiện những sự kiện lịch sử, danh lam thắng cảnh của Hà Nội, là một trong số các công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô suốt 10 năm qua.
Hình ảnh con đường gốm sứ đã trở nên quen thuộc với người Hà Nội suốt nhiều năm qua, đặc biệt là những người dân sinh sống dọc đường Âu Cơ. |
Công trình mang dấu ấn của làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng. Chủ nhân của dự án “Con đường gốm sứ” là nhà báo, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - một người con của Hà Nội.
Về công trình này, Giáo sư sử học Lê Văn Lan từng đánh giá: “Tôi cho đây là một ý tưởng hay, là một sáng kiến. Có thể nói cao hơn nữa, thậm chí là một phát kiến. Chúng ta hàng ngày đi qua con đường đê xám xịt, bị thu hẹp không gian bởi hình ảnh bức tường xi măng sừng sững. Chỉ có chị Thu Thủy, trên nền sự cứng cáp đã nảy ra ý tưởng tạo cho nó vẻ đẹp, màu sắc, hình ảnh mà lâu nay ta chẳng nhìn ra…”.
Công trình này nhận được giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" vào năm 2008. Đến năm 2010, dự án "Con đường gốm sứ" đã được tổ chức Guinness trao chứng nhận “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới”. Điều này mang một ý nghĩa lớn lao không chỉ với Thủ đô Hà Nội, mà còn là niềm tự hào của cả Việt Nam nói chung.
Để mở rộng tuyến đường Nghi Tàm và Âu Cơ, đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân, UBND TP Hà Nội đã cho phá dỡ hơn 600m trên "con đường gốm sứ" ven đê sông Hồng.
Những mảnh vỡ còn sót lại của đoạn đường vừa tháo dỡ khiến nhiều người bắt gặp vô cùng tiếc nuối. |
Khu vực công trình gắn liền với ký ức của nhiều người nay đã được rào chắn, chuẩn bị tháo dỡ để chuẩn bị mặt bằng cho dự án mở rộng đường Âu Cơ. |
Việc dỡ bỏ đoạn đường này khiến cho không ít người vốn gắn bó với nó cảm thấy ngậm ngùi, tiếc nuối.
"Bỏ thì tiếc, nhưng tôi ủng hộ làm đường để phát triển thành phố"
Cụ Nguyễn Văn Tỵ (80 tuổi) sinh sống cùng gia đình ở đường Nghi Tàm đã hơn 60 năm. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, con đường gốm sứ với cụ là một niềm tự hào, gợi hoài niệm về những dấu mốc hào hùng của lịch sử dân tộc.
Cụ Tỵ chia sẻ: “Con đường gốm sứ này đã thay thế bờ đê bằng tường bê tông cũ kỹ ngày xưa với những hình ảnh sống động, có ý nghĩa cả về kinh tế lẫn văn hóa. 10 năm qua, nó đã là một phần trong cuộc sống của người dân, giờ bỏ đi thì tiếc, nhưng Thành phố đầu tư làm đường đẹp hơn, rộng hơn thì tất nhiên là tôi ủng hộ rồi”.
Cụ Nguyễn Văn Tỵ chia sẻ cảm xúc về con đường gốm sứ. |
Theo cụ Tỵ, chủ trương tháo dỡ công trình để mở rộng đường Âu Cơ của TP Hà Nội là rất đúng đắn, người dân nên chấp hành và ủng hộ.
Bà Nguyễn Thị Ngà, một người dân cũng đã sinh sống lâu năm ở đường Nghi Tàm chia sẻ: “Con đường gốm sứ được xây dựng đã 10 năm nay, ai cũng thích, nhưng bây giờ Nhà nước có chủ trương làm đường cho rộng hơn, thoáng hơn, thì đành phải "hy sinh" công trình mỹ quan này thôi. Chúng tôi ở đây đều rất tiếc nhưng mình nên ưu tiên cái lợi cho tất cả mọi người. Chỉ mong Nhà nước nếu như có điều kiện, sẽ làm lại con đường mang ý nghĩa văn hóa và lịch sử này, đó là điều ai cũng mong muốn”.
Đoàn Thị Sao