Mời tổ tiên về ăn Tết… qua điện thoại
Tết Tân Sửu nhiều gia đình không thể về quê ăn Tết thậm chí bị cách ly, giãn cách xã hội và họ bắt đầu nghĩ ra cách mời người thân về quê ăn Tết qua điện thoại.
Anh Nguyễn Văn Quân – Cầu Giấy, Hà Nội cho biết gia đình anh ở Hà Nội nhưng ông bà và bố anh Quân được an táng ở Chí Linh, Hải Dương. Năm nay, dịch bệnh anh Quân và gia đình không thể về quê để mời người quá cố về ăn Tết. Anh Quân đành thực hiện qua điện thoại.
Anh Quân nhờ em họ mua cành đào đem ra lễ mộ ông bà rồi gọi video qua Zalo để mời tổ tiên về ăn Tết với gia đình. Nếu không có dịch bệnh thì anh sẽ trực tiếp về quê nhưng vì Chí Linh vẫn phong tỏa nên anh đành thực hiện tảo mộ online.
Chị Thêm, nhân viên dọn dẹp ở một nghĩa trang năm nay thực hiện giúp nghi thức tảo mộ mời người thân quá cố về ăn Tết giúp 1 gia đình |
Bà Bùi Thị Chín, Hà Đông, Hà Nội cũng tâm sự năm nay không thể về quê thắp hương cho ông bà đã qua đời của mình. Bà Chín đành thắp hương mời các cụ về nhà ăn Tết cùng con cháu qua điện thoại. Bà Chín cười “dịch bệnh như vậy chắc các cụ cũng không trách con cháu tằn tiện không thể ra thăm mộ trực tiếp”.
Bà Chín kể trong các ngày trong năm nếu không về nhà được bà cũng nhờ người em gái sắp cơm sau đó đưa đến bàn thờ gia tiên để bà tự khấn qua điện thoại. Gia đình bà Chín có nhà ở Hà Đông nhưng vẫn còn nhà thờ tổ ở quê. Từ rằm, mồng Một bà đều phải thắp hương và đều qua điện thoại để khấn mời các cụ chứng kiến lòng thành.
Chị Bùi Thị Thêm trú tại Tân Lạc, Hoà Bình có thâm niên làm việc 5,6 năm nay tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Hoà Bình cũng chia sẻ chị Thêm thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại nhờ thắp hương, khấn vái hộ người thân trong dịp Tết.
Chị Thêm kể, Tết đến, chị làm việc tới sáng 30 Tết, những ngày 28, 29 Tết rất nhiều người đã nhờ khấn vái qua điện thoại để họ mời người thân về nhà ăn Tết với gia đình.
Công việc của chị Thêm cũng thành quen. Sau khi vệ sinh khuôn viên mộ, chị lấy hương, giấy tiền, lễ cúng nếu gia đình đặt qua công ty để cúng giúp họ mời người thân của họ về ăn Tết.
Năm nay dịch bệnh nên dịch vụ này càng đông khách hơn. Khách hàng tìm đến với dịch vụ online này chị Thêm cho biết đa số đều là những người ở xa, làm việc ở tỉnh thành khác hoặc định cư ở nước ngoài. Nhưng năm nay dịch bệnh nhiều người cũng ngại đi lại nên số người đăng ký đông hơn.
Với bà Nguyễn Thanh Vân (54 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội), năm nay bà Vân cũng chọn cúng giỗ trong dịp Tết Nguyên đán cho mộ phần cha mẹ của bà. Tuy nhiên, bà Vân cho rằng mình đã già cả rồi, dịch vụ cúng giỗ online này là sự tiện lợi với gia đình vì con cháu bà đều làm trong ngành ngân hàng nên rất bận. Bà Vân chỉ hi vọng sau này dù điện thoại, dịch vụ có phát triển như thế nào thì con cháu mình vẫn có thể tới viếng thăm tận mộ.
PGS Trịnh Hoà Bình – Chuyên gia xã hội học cho biết hiện nay xã hội phát triển, thời buổi công nghệ online phát triển thì nhiều người có thể thực hiện online ngay cả tảo mộ, cúng giỗ. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng đây chỉ là cách chúng ta thuê hoặc nhờ vả thay thân nhân chăm sóc, thực hiện trách nhiệm, bổn phận với những người đã khuất. Các nghi thức, nghi lễ được quan tâm và thực hiện một cách gần gũi nhất, trọn vẹn nhất. Tất nhiên, đây là trong trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh, ở quá xa, ốm đau.
Còn bình thường, việc con cháu ra mộ mời ông bà tổ tiên về ăn Tết là thể hiện đạo hiếu, người lớn làm gương cho con cháu học theo. Không nên vì lý do bận bịu để lạm dụng mời tổ tiên ăn Tết online.
Khánh Chi