Mở rộng kho vũ khí hạt nhân, Trung Quốc cũng 'không thể nâng tầm'
Giới phân tích nhận định, lời kêu gọi quân đội Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân giữa lúc căng thẳng ngoại giao với Mỹ gia tăng chỉ gây tổn thất lớn hơn cho uy tín của Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Mỹ - Trung cùng tăng cường hoạt động quân sự trên Biển Đông
Giới chuyên gia nhận định, hoạt động tăng cường quân sự của Mỹ - Trung trên Biển Đông đang làm gia tăng nguy cơ đụng độ giữa hai bên.
Mối quan hệ Mỹ - Trung không ngừng tụt dốc kể từ khi Washington công khai gọi Bắc Kinh là đối thủ chiến lược vào năm 2017. Mới đây, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu là ông Hu Xijin còn đăng đàn kêu gọi quân đội Trung Quốc tăng số lượng đầu đạn hạt nhân để ngăn chặn cái gọi là “sự phi lý ngày càng lớn của Mỹ”.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41 tham gia lễ diễu binh kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc hồi tháng 10/2019. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), chia sẻ trên mạng xã hội hồi tuần trước, ông Hu nhấn mạnh Trung Quốc nên tăng cường số lượng đầu đạn hạt nhân lên 1.000 bao gồm sở hữu ít nhất 100 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41 với tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.
DF-41 hiện là ICBM phóng từ mặt đất mạnh nhất của quân đội Trung Quốc và 16 ICBM DF-41 đã xuất hiện trong lễ diễu binh mừng Quốc khánh Trung Quốc vào ngày 1/10/2019. Đáng nói, mỗi ICBM DF-41 có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân.
Trong khi đó, hải quân Trung Quốc cũng đã thử nghiệm các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-3. Bên cạnh đó, máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới H-20 được lên kế hoạch sẵn sàng chuyển giao cho quân đội Trung Quốc trong năm nay. Với những nỗ lực hiện đại hóa quân sự không ngừng, Trung Quốc đã xây dựng được bộ ba hạt nhân gồm tàu ngầm, tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom.
Trung Quốc hiện là một trong 5 cường quốc hạt nhân nằm trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Kho hạt nhân của Trung Quốc được cho có thể sáng nganh với Anh và Pháp khi sở hữu khoảng 200 – 300 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Nga và Mỹ mỗi nước sở hữu hàng chục ngàn vũ khí hạt nhân trong giai đoạn đỉnh điểm thời Chiến tranh Lạnh. Song kho hạt nhân của hai nước này đã giảm còn khoảng 4.000 đầu đạn ở mỗi nước.
Theo ông Zhao Tong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, ý kiến của ông Hu và một số chuyên gia quân sự Trung Quốc về việc Bắc Kinh nên tăng kho đầu đạn hạt nhân là không có sức thuyết phục.
“Năng lực hạt nhân của Trung Quốc được xây dựng không phải vì mối quan hệ tốt đẹp, do đó việc Mỹ - Trung có thêm bất đồng quan điểm cũng không liên quan tới việc mở rộng kho hạt nhân. Mối quan ngại về tình hình an ninh quốc gia trong môi trường quốc tế mới là điều hoàn toàn hiểu được, nhưng thực tế việc phát triển thêm kho hạt nhân là không có cơ sở”, ông Zhao nhận định.
Cũng theo ông Zhao, quân đội Trung Quốc có thể đã có sẵn kế hoạch và chuẩn bị năng lực để đối phó với việc không may xung đột bùng nổ trong khu vực, cũng như giải quyết tình huống căng thẳng leo thang.
“Dù Trung Quốc chưa bao giờ nói về chiến thuật này, nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng quân đội Trung Quốc hiện sở hữu các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tầm ngắn. Bắc Kinh muốn nhấn mạnh rằng, Trung Quốc sẽ đáp trả trước bất cứ vụ tấn công hạt nhân nào nhằm vào cuộc gia bằng cuộc chiến hạt nhân tổng lực, nhưng đây chỉ là năng lực ngăn chặn”, ông Zhao chia sẻ.
Sau khi Trung Quốc cho kích nổ quả bom hạt nhân đầu tiên vào năm 1964, quốc gia này đã ra tuyên bố sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trước trừ trường hợp bị tấn công.
Hồi năm ngoái, Sách trắng quốc phòng Trung Quốc cũng một lần nữa nhấn mạnh cam kết “không sử dụng hoặc không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc các khu vực hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân”.
“Trung Quốc không tham gia vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân với bất cứ quốc gia nào và duy trì năng lực hạt nhân ở mức thấp nhất chỉ để phục vụ an ninh quốc gia”, Sách trắng quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc viết.
Theo ông Zhao, nếu Bắc Kinh mở rộng kho hạt nhân trong khi các cường quốc hạt nhân lại giảm số lượng vũ khí hạt nhân, hành động của Trung Quốc sẽ bị cáo buộc là không tuân thủ lời hứa và phá vỡ những nỗ lực kiểm soát vũ khí và cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Điều này sẽ chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới uy tín và lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
“Xây dựng kho hạt nhân lớn hơn sẽ khiến quốc gia khác nể sợ, nhưng lại không giành được sự tôn trọng hơn”, ông Zhao nhấn mạnh việc tăng cường số lượng vũ khí hạt nhân sẽ không thể giúp Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng trở thành nhà lãnh đạo thế giới.
Khi được hỏi về chia sẻ trên mạng xã hội của Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay, đây chỉ là “quan điểm cá nhân” của ông Hu, còn chính sách kiểm soát vũ khí hạt nhân của chính quyền Bắc Kinh vẫn kiên định.
“Trung Quốc luôn tuân thủ nguyên tắc ‘không sử dụng vũ khí hạt nhân trước’. Chúng tôi theo đuổi chính sách kiềm chế và có trách nhiệm”, bà Hoa phát biểu trước các phóng viên.
Tuy nhiên, bà Hoa đưa ra không bình luận về số đầu đạn hạt nhân mà Trung Quốc đang sở hữu. Thay vào đó, bà Hoa cho rằng các nước sở hữu kho hạt nhân lớn nhất thế giới “nên cắt giảm số lượng nhiều hơn nữa”.
Minh Thu (lược dịch)