Mỹ từ bỏ chiến tranh với Iran để tập trung đối phó Trung Quốc?
Quyết định rút hai hệ thống tên lửa Patriot khỏi Ả Rập Xê-út dường như cho thấy, Mỹ không còn bận tâm tới căng thẳng với Iran mà thay vào đó tập trung ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc.
Bất ngờ diễn tập hộ tống trên Biển Đông, Trung Quốc muốn chứng minh điều gì?
Sau khi hoàn thành sứ mệnh chống hải tặc tại vịnh Aden, hải quân Trung Quốc còn tiến hành diễn tập hộ tống trong khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông.
RT dẫn nhận định của nhà phân tích New Zealand Darius Shahtahmasebi cho hay Ả Rập Xê-út có thể cảm thấy lo lắng trước quyết định gần đây của Mỹ về việc di chuyển một số thiết bị quân sự khỏi quốc gia Trung Đông này. Liệu hành động của Mỹ có phải là nhằm trừng phạt Riyadh trong cuộc chiến giá dầu thảm khốc hay Mỹ đã từ bỏ cuộc chiến với Iran?
Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tập trận với hải quân Ả Rập Xê-út hồi tháng Hai. (Ảnh: Reuters) |
Sau hàng thập niên quan hệ nồng ấm, mới đây, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho hay Mỹ quyết định di chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và một vài chiến đấu cơ khỏi Ả Rập Xê-út. Trước đó, chính phủ Mỹ đưa Patriot tới Ả Rập Xê-út sau vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu mỏ Aramco mà Washington nhiều lần lên tiếng cáo buộc Iran là thủ phạm.
Nhưng giờ đây, Mỹ quyết định di chuyển 2 tổ hợp Patriot từng bảo vệ mỏ dầu Aramco cùng 300 binh sĩ vận hành hệ thống tên lửa này khỏi Ả Rập Xê-út. Song một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD vẫn sẽ hoạt động ở Ả Rập Xê-út. Đáng nói, kế hoạch rút vũ khí đột ngột được Mỹ công bố chỉ sau vài tháng Washington tăng cường sự hiện diện quân sự ở Ả Rập Xê-út để gửi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ tới Iran.
Patriot của Mỹ chỉ vô dụng?
Trên thực tế, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn các máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình từng tấn công cơ sở dầu mỏ ở Ả Rập Xê-út hồi năm 2019. Theo Viện nghiên cứu CSIS, năng lực của các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Iran hoàn toàn vượt ngoài tầm kiểm soát của các hệ thống phòng thủ tên lửa đang có mặt ở Ả Rập Xê-út.
Khi được hỏi về quyết định rút các tên lửa Patriot khỏi Ả Rập Xê-út, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh rằng, “Chúng tôi đang làm rất nhiều việc trên mặt trận quân sự thế giới. Chúng tôi đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới. Theo tôi, quân đội Mỹ không còn việc gì để làm ở Ả Rập Xê-út, nhưng lại cần làm việc ở những nước khác nhiều hơn. Chúng tôi sở hữu đội quân hùng mạnh nhất trên thế giới”.
Sau tuyên bố của Tổng thống Trump, một số chuyên gia nhận định đây chỉ là bề nổi của vấn đề còn thực chất vấn đề nằm ở giá dầu mỏ.
Cụ thể, theo Reuters, trong cuộc điện đàm hồi tháng Tư với Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman, ông Trump đã đe dọa sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Ả Rập Xê-út nếu như quốc gia này không thực hiện yêu cầu từ phía Mỹ về việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Nguồn cơn sự việc nảy sinh khi Nga từ chối tối hậu thư từ Ả Rập Xê-út về việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ do giá dầu sụt giảm vào tháng Ba. Để đáp trả Nga, Ả Rập Xê-út đã đẩy ra thị trường dầu mỏ thêm 2,6 triệu thùng dầu mỗi ngày với mức giá bán rẻ kinh khủng. Hành động của Ả Rập Xê-út trực tiếp gây ảnh hưởng tới các nhà sản xuất đá phiến ở Mỹ và dẫn tới sự bất đồng sâu sắc giữa Mỹ - Ả Rập Xê-út.
Một lý do nữa là nếu như hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đã không thể chứng minh hiệu quả ngăn chặn các cuộc tấn công quy mô lớn vốn được các nhóm nổi dậy ở Yemen tiến hành, việc di chuyển tên lửa của Mỹ khỏi Ả Rập Xê-út hoàn toàn là điều dễ hiểu. Thay vào đó, Ả Rập Xê-út sẽ tự triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của nước này để bảo vệ các cơ sở dầu mỏ.
Mục tiêu thực sự của quân đội Mỹ
Nhưng trên hết, theo ông Shahtahmasebi, thế giới nhận ra rằng Iran không phải là đối thủ đáng để quân đội Mỹ bị chấn động và phải bận tâm.
Theo tờ New York Times, tình báo Israel tin rằng Iran không còn là mối đe dọa tiềm tàng đối với Israel. Quan điểm này cũng trùng lặp với nhận định của tờ Wall Street Journal khi cho rằng, giới chức Mỹ đang xem Iran “không còn là mối đe dọa trực tiếp đối với các lợi ích chiến lược của Mỹ”.
Nói cách khác, đối phó với Iran chỉ giống như một trò chơi trẻ con. Bởi trên thực tế, Mỹ đang có những bước đi lớn để đối phó với một quốc gia sở hữu năng lực hạt nhân đang ngày càng hùng mạnh và nguy hiểm hơn. Ngay cả bản đề xuất ngân sách của Nhà Trắng năm 2021 và các phiên điều trần trước Quốc hội gần đây của hàng loạt tướng quân đội Mỹ cấp cao, Lầu Năm Góc đều nhắc tới ý định trang bị cho dàn chiến hạm những phiên bản mới của tên lửa hành trình Tomahawk.
Mục đích của kế hoạch này là nhằm ngăn chặn hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong bối cảnh quân đội Trung Quốc được trang bị số lượng lớn các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và tên lửa đạn đạo.
Lo ngại trước động thái của Mỹ, Trung Quốc cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Mỹ “nên dừng di chuyển miếng phomai đi vòng quanh cũng như phô trương sức mạnh quân sự quanh Trung Quốc”.
Chuyên gia Shahtahmasebi kết luận, tất cả hành động của Mỹ cũng đều là vì Trung Quốc. Bởi bất cứ mối đe dọa nào từ phía Iran đối với Mỹ và các đồng minh đều bị xếp sau mối đe dọa tổng thể của Trung Quốc trước lợi ích kinh tế của Mỹ.
Minh Thu (lược dịch)