MiG-31 ‘thợ săn siêu hạng’ ở Bắc Cực
Mới đây, một tiêm kích đánh chặn MiG-31BM đã thực hiện màn đánh chặn mục tiêu mô phỏng máy bay xâm nhập của kẻ địch cũng do một chiếc MiG-31 đóng giả, đang cố đột nhập vào không phận Nga.
Thông tin trên được cơ quan báo chí của Quân khu miền Đông phụ trách Hạm đội Thái Bình Dương chia sẻ với hãng tin RIA hôm 10/3.
“Các phi hành đoàn máy bay tiêm kích MiG-31BM của lực lượng không quân Hạm đội Thái Bình Dương đang trực chiến phòng không ở Chukotka, đã tiến hành một cuộc diễn tập đánh chặn mục tiêu giả định là một máy bay vi phạm không phận Nga trong khu vực Bắc Cực”, thông báo cho biết.
Ngoài ra, thông báo cho biết, một trong những máy bay chiến đấu MiG-31BM của lực lượng không quân Hạm đội Thái Bình Dương đã đóng giả mục tiêu xâm nhập.
“Phi hành đoàn của máy bay có nhiệm vụ bay với tốc độ siêu thanh, ở độ cao gần 20 km, xâm nhập không phận Nga, vượt qua phòng tuyến đã được thiết lập và nếu bị phát hiện phải trốn tránh sự truy đuổi”, thông báo cho biết thêm.
Để đánh chặn mục tiêu là một chiếc MiG-31BM đang trực chiến được điều động từ sân bay Anadyr, phối hợp với đài radar mặt đất, nơi phát hiện ra kẻ địch giả định. Sau khi bắt được mục tiêu, các phi công thực hiện thao tác phóng tên lửa không đối không tầm xa để tiêu diệt mục tiêu trên máy tính.
Kể từ ngày 1/12/2020, để tăng cường sức mạnh không quân ở khu vực Bắc Cực, các phi đội tiêm kích đánh chặn MiG-31BM của Lực lượng không quân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương bắt đầu trực chiến phòng không tại sân bay Anadyr.
Tiêm kích đánh chặn MiG-31BM hiện là máy bay chiến đấu duy nhất bảo đảm an ninh vùng trời Nga ở Bắc Cực, trong đó có các chủ thể công nghiệp dầu khí.
MiG-31BM là phiên bản nâng cấp của dòng máy bay đánh chặn huyền thoại MiG-31B được phát triển trong những năm 90 của thế kỷ trước. MiG-31BM được nâng cấp về hệ thống điện tử và dữ liệu kỹ thuật số, trang bị radar đa năng, buồng lái mới, cùng hệ thống kiểm soát vũ khí mạnh hơn. MiG-31BM có thể hoạt động hoàn toàn độc lập mà không cần sự hỗ trợ của các hệ thống kiểm soát không gian trên mặt đất.
MiG-31BM được trang bị radar mảng pha Zaslon M mạnh hơn radar đời đầu lắp trên MiG-31. Zaslon M có tầm hoạt động 300 - 400km, theo dõi 24 mục tiêu và tiêu diệt 6 trong số đó cùng lúc.
Đồng thời, vũ khí đối không chủ lực của MiG-31BM là tên lửa tầm xa R-37 mạnh hơn so với R-33. R-37 có tầm bắn từ 150 - 398km, tốc độ hành trình Mach 6, hệ dẫn đường kết hợp quán tính và radar chủ động, lắp đầu đạn nổ phân mảnh 60kg. MiG-31BM mang tên lửa đối không tầm ngắn - tầm trung tiên tiến hơn như R-73 và R-77.
NATO triển khai 54 hệ thống tên lửa cách Crimea 230 km
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu triển khai hệ thống tên lửa chiến thuật ở phía tây nam Crimea.
Thanh Bình (lược dịch)