Miền Trung: Những khu đô thị vắng bóng người

Nhà đất đã mua xong, cơ sở hạ tầng dự án cũng cơ bản hoàn thiện, song việc thiếu vắng dân cư sinh sống vẫn đang diễn ra ở nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư một số tỉnh miền Trung...

Hoang vắng sau nhiều năm mở bán

Chạy dọc dòng sông Cổ Cò, hiện có hàng chục dự án khu đô thị, khu dân cư đã hoàn thiện hạ tầng, thuộc quy hoạch Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam.

Tại dự án Đất Quảng Riverside, những tuyến đường nội khu đã được hoàn thiện và thảm nhựa, hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh… cũng được đầu tư đồng bộ, tạo nên diện mạo của một khu đô thị hiện đại bên sông Cổ Cò, thế nhưng chỉ lác đác vài ngôi nhà được xây dựng làm quán café hoặc kios bất động sản, mà thiếu vắng cư dân sinh sống.

“Cũng có một vài hộ dân ở đó, song chủ yếu là người dân bản địa chưa chuyển đi. Chủ đầu tư cũng biết, nhưng vì chưa có người đến ở nên cứ để vậy”, anh Nguyễn Quang Huy, nhân viên kinh doanh từng bán hàng tại dự án Đất Quảng Riverside cho hay.

Được biết, dự án này do Tập đoàn Đất Quảng làm chủ đầu tư, thuộc quỹ đất đối ứng tuyến đường trục chính DT603 nối dài tại Khu đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc. Đây được xem là dự án bất động sản lớn tại thị trường Quảng Nam với quy mô hơn 22,4 ha. Theo quy hoạch, dự án bao gồm 8.528 m2 đất thương mại - dịch vụ, 115.710 m2 đất phân lô (chiếm 51% diện tích dự án)… Dự án được đưa ra thị trường từ giữa năm 2019 và ghi nhận thanh khoản khá tốt.

Không riêng Đất Quảng Riverside, một dự án khác của Tập đoàn Đất Quảng là Ngọc Dương Riverside, hay một số dự án nằm liền kề như Khu đô thị 7B, Khu đô thị số 6… cũng trong tình trạng “vắng hơi người”, cho dù đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng cơ sở.

Tỷ lệ cư dân về sinh sống rất thấp cũng là thực trạng tại dự án Khu đô thị FPT City Đà Nẵng. Đây là 1 trong 3 dự án nổi bật tại thị trường Đà Nẵng giai đoạn 2015-2019, thế nhưng trong khi 2 dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân và Golden Hills có lượng người ở khá lớn, thì FPT City chỉ lác đác vài chục hộ dân.

Anh Võ Trọng Phụng, môi giới tự do chuyên phân phối sản phẩm tại FPT City cho biết: “Từ đầu năm 2021 tới nay mới có thêm 5 hộ gia đình dọn đến sinh sống, tính chung toàn dự án trong 5 năm qua có tổng cộng khoảng 30 hộ dân, trong đó phần lớn là các căn nhà phố đã được người mua cho thuê (chủ yếu làm kios bất động sản - PV) trên tổng số hơn 5.000 sản phẩm. Hiện chủ đầu tư đang đưa ra thị trường dự án chung cư FPT Plaza 2 với kỳ vọng thu hút thêm cư dân về ở”.

Không chỉ Quảng Nam, tình trạng trống dân cư cũng xảy ra với nhiều dự án đấu giá đất và nhà ở thương mại ở Quảng Bình. Chẳng hạn, tại Khu A - Đường F325 hay Khu E - Đường F325 Hoàng Sâm thuộc dự án Khu nhà ở thương mại Trường Thịnh (TP. Đồng Hới), sau gần 3 năm mở bán, cả 2 khu này mới chỉ xuất hiện 5 căn nhà, cho dù hầu hết lô đất tại đây đều đã có chủ.

“Phần đông người mua từ nơi khác đến với mục đích đầu tư, chứ không phải để sử dụng. Những căn nhà được xây hiện tại đều của người dân địa phương, chủ yếu làm nhà xưởng”, anh Trần Tuân, trú tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới, sinh sống gần dự án cho biết.

Sau 3 năm mở bán, Khu nhà ở thương mại Trường Thịnh mới có vài hộ dân đến ở. Ảnh: Ngọc Tân

Vì đâu nên nỗi?

Theo chuyên gia Phan Thế Đức, Hội viên Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, có nhiều lý do dẫn tới việc dự án chưa thể hình thành cộng đồng dân cư sau thời gian dài mở bán, đó là người mua nhà phần đông là dân đầu cơ, chủ yếu mua đi bán lại kiếm lời, chứ không phục vụ nhu cầu ở thực. Đây cũng là nguyên nhân đẩy giá nhà tăng cao, vượt quá khả năng của đại bộ phận người dân, dẫn đến khó tiếp cận nhà ở. Ngoài ra, đó còn là tình trạng ồ ạt cấp phép các dự án bất động sản, đặc biệt là dự án có quy mô nhỏ tại các địa phương, mà thiếu đi tính dự báo, sự tính toán kỹ về quy hoạch, nhu cầu sử dụng, chỉ tiêu dân số, khả năng đáp ứng di dân, giãn dân...

“Một dự án không chỉ vẽ cái công viên, làm cái đường, trồng cái cây là xong, mà còn phải tính đến việc phát triển dân số ở đâu, như thế nào, sau đó là giải quyết các bài toán về phát triển kinh tế, hạ tầng tổng thể của địa phương. Ở các nước phát triển, khi cấp phép dự án bất động sản, họ đánh giá rất chi tiết nhu cầu cấp bách của người dân lẫn những tác động xã hội. Trong khi tại nhiều địa phương ở Việt Nam, đa phần đều chưa chuyên nghiệp từ quá trình nghiên cứu đến thực hiện các dự án, việc dự báo, tính toán khả năng lấp đầy dân cư còn qua loa, sơ sài…”, ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, hiện nay, người dân khi mua đất dự án rất quan tâm đến các yếu tố không gian sống và điều này không chỉ gói gọn trong phạm vi một ngôi nhà, mà còn là các yếu tố cảnh quan, hạ tầng, tiện ích, dịch vụ xung quanh.

“Thực tế những yếu tố trên mới chỉ hiện diện ở các dự án của các chủ đầu tư, tập đoàn lớn, làm dự án một cách bài bản, chuyên nghiệp, chứ không xuất hiện ở các dự án nhỏ lẻ được cấp phép tràn lan”, ông Đức chia sẻ thêm.

Ở góc nhìn khác, ông Đoàn Kim Thụy, Giám đốc Công Ty TNHH Đầu tư 533 Quảng Bình cho rằng, lựa chọn phương thức bán hàng trực tiếp cho người dân không thông qua các sàn môi giới hoặc đấu giá thì sẽ hạn chế tối đa sự can thiệp của giới đầu cơ, từ đó nâng cao hiệu quả dự án bất động sản.

“Tuy nhiên, để làm được điều đó thì phải đảm bảo yếu tố chất lượng, tức là dự án phải đầy đủ dịch vụ, tiện ích phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, hạ tầng cơ sở phải hoàn thiện để đảm bảo việc đi lại được thuận tiện… Tóm lại, khi một dự án đủ cơ sở vật chất phục vụ cuộc sống thì người dân sẽ tự khắc tìm đến”, ông Thụy đánh giá.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lãnh đạo tỉnh cũng nhận thấy sự bất thường nên thời gian qua đã tạm dừng xem xét đề xuất cấp phép các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới để rà soát lại, trừ một số trường hợp đặc biệt là những dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, có vai trò, vị trí điểm nhấn quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế hoặc thuộc thuộc danh mục kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh.

“Tỉnh cũng đã yêu cầu các dự án hiện hữu phải xây dựng nhà trên các trục chính để đưa ra thị trường, điều này vừa tạo ra những ngôi nhà đẹp, phù hợp với cảnh quan đô thị, vừa có thể đáp ứng nhu cầu mua nhà ở thực”, ông Quang chia sẻ thêm.

Theo Đầu tư chứng khoán

Chung cư Hà Nội trung bình 50 triệu đồng/m2, dự báo tiếp tục tăng giá

Theo chuyên gia, trong năm 2023 vẫn hiện hữu các yếu tố thúc đẩy giá bất động sản ở Hà Nội tăng. Đặc biệt với loại hình chung cư khi nguồn cung eo hẹp, nhu cầu lớn, xu hướng giá tiếp tục neo ở mức cao.

Cân nhắc đề xuất tăng thuế với nhà ở chậm đưa vào sử dụng

Theo VCCI, việc các dự án đã đầu tư nhưng chậm đưa vào sử dụng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và không phải lúc nào cũng do lỗi của chủ đầu tư.

Khánh Hòa được định hướng thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế

Theo quy hoạch, Khánh Hòa sẽ là trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước về kinh tế biển.

TP.HCM lo doanh nghiệp trục lợi khi đầu tư dự án nhà ở xã hội

Theo dự thảo nghị quyết thí điểm phát triển nhà ở xã hội, chủ đầu tư sẽ được dành một phần diện tích tại dự án để bán thương mại, hạch toán riêng và hưởng toàn bộ lợi nhuận. Tuy vậy, UBND TP.HCM lo ngại doanh nghiệp sẽ trục lợi.

‘Teo tóp’ nguồn cung, người thu nhập thấp khó mua nhà ở xã hội

Là loại hình nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của phần lớn người dân tại các đô thị, nhưng những năm qua, nhà ở xã hội vẫn luôn rơi vào tình trạng cung không đủ cầu.

Dự án chậm tiến độ, khách đòi đất, doanh nghiệp nói 'không còn liên quan'

Mặc dù đã ký kết hợp đồng để quý II/2020 nhận quyền sử dụng đất tại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Hải An, nhưng đến nay khách hàng vẫn mòn mỏi chờ đợi, trong khi lãnh đạo mới của doanh nghiệp lại nói không còn liên quan.

Xây dựng Khu kinh tế Vân Phong thành trung tâm du lịch, giải trí cao cấp

Khu kinh tế Vân Phong ở Khánh Hòa được định hướng là trung tâm dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí cao cấp có thương hiệu, chất lượng cao và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Đề xuất ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiền để trả nợ trái phiếu

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp có tài sản bảo đảm được vay để trả nợ trái phiếu.

Ngang nhiên rao bán đất không sổ giữa rừng, chưa có chung cư nào được xếp hạng

Kiến nghị dừng đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn, chưa có chung cư nào ở TP.HCM được xếp hạng, ngang nhiên rao bán đất không sổ giữa rừng tự nhiên… là những thông tin đáng chú ý tuần qua.

Hơn 100 dự án BĐS chưa gỡ vướng xong, TP.HCM tiếp nhận thêm 40 dự án

Vướng mắc về thủ tục pháp lý của hơn 100 dự án bất động sản chưa được giải quyết xong, UBND TP.HCM vừa tiếp nhận thêm thông tin của 40 dự án.