Máy thở thiết yếu thế nào trong cuộc chiến chống dịch Covid-19?
Máy thở là gì?
Máy thở nhân tạo, hay thường được gọi là máy thở, là thiết bị được cấu tạo để tạo ra một dòng khí, với áp lực vừa đủ để đưa một thể tích khí vào phổi của người bệnh, hỗ trợ cho phổi thực hiện trao đổi khí ở những bệnh nhân ngưng thở hoặc thở không hiệu quả, thông qua 1 đường ống được phẫu thuật nối trực tiếp vào khí quản. Bằng cách điều chỉnh thiết lập, có thể đồng bộ luồng khí từ máy thở với tốc độ bệnh nhân thở thông thường, giúp họ thở tốt hơn bằng cách tăng áp suất, lượng khí hoặc luồng khí từ máy thở.
Máy thở thường dùng trong phẫu thuật để giữ cho phổi hoạt động khi bệnh nhân được gây mê hoàn toàn. Máy thở cũng là thiết bị cần thiết cho những bệnh nhân khó thở do nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng.
Máy trợ thở được dùng trong các trường hợp nào?
Những người bị suy yếu chức năng phổi, suy giảm chức năng hô hấp hấp, việc thở không hiệu quả sẽ phải dùng đến máy thở.
Máy thở là thiết bị thiết yếu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 |
Trong quá trình phẫu thuật máy trợ thở giúp đảm bảo bệnh nhân tiếp tục thở khi rơi vào tình trạng mất cảm giác và nhận thức (gây mê toàn thân).
Ngoài ra, máy thở giúp duy trì cuộc sống của một số người người mắc các loại bệnh như viêm phổi, suy yếu chức năng phổi. Trong trường hợp này, máy trợ thở dùng tại nhà, hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Máy thở là thiết bị quan trọng để đối phó với Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 gây ra bởi virus SARS-CoV-2 có thể gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính, dẫn đến tổn thương phổi và khiến người bệnh khó thở.
Khi dịch bệnh bùng phát, số lượng các bệnh nhân nhập viện cần sự trợ giúp từ máy thở sẽ tăng vọt. Do đó, ở những nơi virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, số người bệnh tăng lên không ngừng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máy thở - tài nguyên y tế rất quan trọng trong điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Tại Mỹ, dịch bệnh bùng phát quá nhanh đã dẫn đến việc quá tải máy thở. Hầu hết các bệnh viện tại Mỹ có đủ máy thở để phục vụ bệnh nhân trước đại dịch, bác sỹ Albert Rizzo, Giám đốc Y tế tại Hiệp hội Phổi Mỹ cho biết. Nhưng với tình hình hiện nay, nhiều người đang lo sợ chúng sẽ sớm cạn kiệt.
"Đây là một căn bệnh cướp đi sinh mạng con người thông qua bệnh hô hấp. Họ không chết vì tim ngừng đập, họ không chết vì sốc. Bệnh nhân chết vì không thể đưa oxy vào máu, và điều đó khiến các cơ quan khác ngừng hoạt động theo", bác sỹ Rizzo nhấn mạnh tầm quan trọng của máy thở.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát có thể dẫn tới tình trạng thiếu máy thở |
Báo cáo của cơ quan y tế thành phố New York công bố ước tính rằng với số lượng bệnh nhân hiện tại, New York có thể chỉ sở hữu 15% số lượng máy thở cần thiết. New York thậm chí đã cân nhắc tới việc sử dụng một máy thở cho hai bệnh nhân.
Một bệnh nhân sử dụng máy thở thường sẽ từ vài ngày đến vài tuần. Tại Trung tâm Y tế Tulane ở New Orleans, các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 thường được gắn máy thở trong 1 - 2 tuần.
Cuộc chạy đua sản xuất máy thở
Lo ngại về tình trạng thiếu máy thở, các cơ quan y tế, các nhà làm luật và các công ty đang tìm đủ mọi cách để có thêm máy thở một cách nhanh nhất. Tại Mỹ, các hãng xe hơi như GM, Tesla cũng đang tập trung sản xuất máy thở.
Mới đây nhất, hãng xe Ford đã bắt tay với hợp tác với đơn vị y tế Healthcare GE thuộc tập đoàn công nghiệp General Electric (GE) để sản xuất 50.000 máy thở trong khoảng 3 tháng tới. Khi được hỏi tại sao GE Health lại chọn Ford để sản xuất các máy thở này thay vì công nhân của mình, Tom Westrick, Phó chủ tịch và giám đốc chất lượng của GE Health cho biết, quyết định của chúng tôi về việc chọn Ford dựa trên tốc độ và khả năng đẩy mạnh sản xuất nhanh nhất có thể.
Nhiều công ty hàng không và ô tô khác như Airbus, GKN, Renishaw, Thales, Meggitt, McLaren, Ferrari, Fiat Chrysler hay Nissan được cho là cũng đã tham gia nghiên cứu phát triển loại máy thở có thể sản xuất nhanh.
Chính phủ Đức mới đây đặt hàng thêm 10.000 máy thở của Hãng Dragerwerk AG, tương đương một năm sản xuất của công ty này. Đại diện Dragerwerk cho biết sẽ mở rộng quy mô sản xuất và dồn nhân công mảng khác cho việc sản xuất thiết bị y tế, Financial Times cho biết.
Tại Anh, Bộ Y tế quốc gia này cho biết, nước này chỉ có khoảng 10.000 máy thở, nhưng sẽ phải cần tới 30.000 thiết bị này ở giai đoạn đỉnh dịch. Tình trạng thiếu máy thở còn trầm trọng hơn tại các quốc gia có hệ thống y tế hạn hẹp. Ở Mali, quốc gia Tây Phi với 19 triệu dân nhưng chỉ có 56 máy thở.