Máy bay ném bom tàng hình của Mỹ liệu có thể qua mặt đối phương?
Trong quá khứ, các chiến dịch đánh bom thường mang đến những tổn thất lớn lao hơn những gì tưởng tượng. Trong cuộc oanh tạc Anh vào mùa hè năm 1940, Không quân Phát xít Đức đã mất 45% số máy bay ném bom của mình cùng rất nhiều đội bay. Năm 1943, khi lưới lửa phòng không của Đức rất mạnh và Mỹ không có các máy bay tiêm kích tầm xa, Quân đoàn số 8 của Không quân Mỹ đã mất đến 20% số máy bay tham gia ném bom mỗi tháng.
Máy bay ném bom tàng hình của Mỹ vẫn khiến nhiều chuyên gia lo ngại về hiệu quả trong chiến đấu. |
Các máy bay ném bom khi bị bắn rơi thường khiến toàn bộ đội bay hi sinh, trong khi những máy bay bị hư hỏng nặng cũng có những thành viên thiệt mạng và bị thương, tỉ lệ người chết thường nhiều hơn tỉ lệ máy bay bị tiêu diệt.
Đến cuối năm 1943, các máy bay ném bom đã được tăng cường máy bay tiêm kích bay theo hộ tống.
Sau Thế chiến II, sự phát triển về công nghệ của các máy bay tiêm kích và tên lửa khiến cho oanh tạc cơ ngày càng khó bảo vệ hơn. Tháng 12/1972, chính việc các chỉ huy Mỹ không nhận ra được điều này cùng với việc áp dụng chiến thuật không hợp lý khiến Mỹ mất nhiều máy bay B-52 khi mở đợt ném bom xuống Hà Nội và một số tỉnh, thành ở miền Bắc Việt Nam.
Vì vậy, khả năng sống sót của các loại máy bay ném bom là một vấn đề khiến các nhà sản xuất đau đầu. Ngày nay, các chiến dịch không kích kéo dài không còn có thể thực hiện được trước lưới lửa phòng không hiện đại nữa. Do đó, việc có thể tiêu diệt hệ thống phòng vệ đó là nguyên nhân dự án máy bay đánh bom tầm xa được thông qua.
Khả năng hoạt động bí mật của máy bay là điều được bàn tán rất nhiều trong những năm qua. Công nghệ tàng hình được áp dụng lần đầu tiên vào máy bay F-117, nhưng nó chỉ có tác dụng trong ban đêm và hiệu quả không được đảm bảo. Năm 1999, lực lượng phòng không Nam Tư đã bắn rơi một phi cơ F-117 bằng tên lửa S-125 Pechora đã cũ.
Cùng với sự phát triển của công nghệ máy tính, các hệ thống cảm biến và các loại phần mềm, công nghệ tàng hình có thể sẽ không hữu dụng như trước. Đô đốc Hải quân Jonathan Greenert tin rằng khả năng hoạt động bí mật của các máy bay không còn quan trọng nữa, bởi “bất cứ vật thể nào di chuyển cực nhanh trong không khí đều sản sinh nhiệt, và cho dù động cơ được làm mát đến đâu đi chăng nữa, nó sẽ bị phát hiện”.
Thật vậy, mới đây một số cơ quan nghiên cứu của Ấn Độ và Nga đã tập trung nhằm phát triển hệ thống phát hiện máy bay dối phương bằng tia hồng ngoại. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ laser cũng sẽ khiến các loại máy bay quân sự lớn trở nên dễ bị bắn hạ hơn.
Bên cạnh việc trang bị các loại bom tầm xa, nhiều chuyên gia tin rằng B-2 cũng có thể cải tiến để trở thành một loại máy bay tiêm kích. |
Dù vậy, chỉ huy lực lượng Không quân Mỹ là tướng Hawk Carlyle tin rằng công nghệ tàng hình vẫn rất quan trọng đối với khả năng chiến đấu của máy bay. Hiện tại, Không quân Mỹ đang tìm nhiều biện pháp để đảm bảo máy bay mới của họ khó phát hiện hơn, một trong số đó là việc trang bị cho các oanh tạc cơ tàng hình các loại bom định hướng tầm xa.
Một lựa chọn khác đó là cải tiến để máy bay có thể tự vệ trước các đợt tấn công, giống như pháo đài bay B-52. Ông John Stillion của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CSBA) cho biết, các loại máy bay ném bom tầm xa cũng có tiềm năng để trở thành một phi cơ chiến đấu khi có thể mang theo những loại vũ khí không đối không và các thiết bị cảm biến. Đây là một ý tưởng rất thú vị mà Không quân Mỹ đến nay vẫn chưa nhắc đến.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.