Mất nhà vì 'đốt tiền' vào chứng khoán
Bỗng nhiên chị và con thành kẻ không nhà (Ảnh minh họa) |
“Vậy là bây giờ mình phải dọn ra khỏi nhà nội thật à mẹ?”. Câu hỏi của cậu con trai 17 tuổi làm chị lặng người. Chị không nói nên lời, chỉ lặng lẽ khóc. Ừ, vậy là bây giờ mẹ con chị đã thành kẻ không nhà!
Chị năm nay 40 tuổi, con trai đang học lớp 8 và mồ côi bố từ khi chưa vào lớp 1. Chồng chị ra đi đột ngột do tai nạn, để lại cho chị đứa con thơ và sạp trái cây ngoài chợ của anh.
Ngày lấy anh, chị chỉ ở nhà nội trợ, chăm sóc con, chăm sóc mẹ chồng, trong ngoài mọi thứ đã có anh lo. Đùng một cái anh mất, chị bơ vơ, lạc lõng, nghề nghiệp không có, kinh doanh buôn bán cũng chưa từng làm qua.
“Chưa từng làm thì bây giờ mình làm. Của chồng công vợ, anh mất thì tài sản của anh là của chị, chị cứ giữ lại nuôi con”, cô em chồng lớn thứ hai sau anh tuyên bố.
Nhà có bốn anh em, anh là anh đầu, sau anh chỉ có cô em chồng này là ngay thẳng, rõ ràng, luôn bênh vực chị. Trong khi cả nhà còn đang xì xào sạp trái cây của anh tính thế nào, cô em tuyên bố ngay là để lại cho chị dâu nuôi cháu.
Không ai ý kiến thêm. Vậy là chị bắt đầu học cách lấy mối, bán hàng… Chị dần quen việc, ăn nên làm ra, nuôi con chu đáo, lại khéo co kéo nên sau vài năm đã có một khoản tiết kiệm đáng kể gửi ngân hàng, cuộc sống sung túc.
Chị không đi bước nữa, vẫn ở nhà chồng. Sau khi mẹ chồng mất, chị ở cùng hai vợ chồng người em trai út. Hai cô em chồng giữa đều đã lấy chồng và dọn ra riêng. Em dâu út của chị sắc sảo, xinh đẹp, được chồng yêu chiều, làm nhân viên văn phòng cũng khá rảnh rỗi nên tập tành chơi chứng khoán kiếm thêm.
Mỗi khi thấy cô em đập bàn hét lớn: “Tím rồi!” và khoe lời được mấy chục triệu đồng, chị không khỏi tò mò. Nhưng cô em có giảng giải sao, chị cũng không hiểu những con số xanh tím nghĩa là gì. Tức mình, cô dâu út bảo: “Chị đưa tiền đây, em chơi cho, bảo đảm lời”.
Những đồng tiền dễ dàng kiếm được dễ dàng từ chứng khoán khiến chị mờ cả mắt. (Ảnh minh họa) |
Thời gian đầu, quả là lời thật, lời còn hơn sạp trái cây của chị mà chẳng phải làm gì. Chị cứ đều đặn đưa dăm ba triệu đồng cho cô em rồi cô em lướt sóng gì đó, xong chị nhận tiền lời, có khi gấp đôi, gấp ba. Số tiền chị chơi chứng khoán ngày càng tăng, kéo theo khoản lãi lớn làm chị mừng tít mắt.
Một bữa, cô em bảo có mã chứng khoán tốt lắm, hối chị mạnh tay chi 200 triệu đồng "hốt": "Em không có tiền chơi em tiếc quá. Em bao lời 1 ăn 1".
Trằn trọc, suy nghĩ mãi, chị quyết định chuyển cho em 200 triệu đồng rồi khấp khởi chờ ngày nhận tiền lời. Chị tính toán cứ có lời đà này, chị sẽ đủ tiền mua một căn chung cư để dành cho con.
Nhưng đời không như là mơ, thị trường chứng khoán đột ngột chững lại rồi rớt thảm hại. Chị và cô em dâu đứng ngồi không yên, nhìn tiền bốc hơi như khói mỗi ngày. 200 triệu đồng từ từ còn 150 rồi 90, rồi giờ chỉ còn 50 triệu đồng. Chị khóc, hỏi bây giờ làm sao. Cô em nói giờ chỉ có ngồi chờ "nó" lên lại, trong thời gian chờ thì mua mã khác để kiếm tiền lời bù vào.
Chị tiếc khoản tiền đã mất nên lại dốc hầu bao thêm khoản tiền mới. Cô em dâu lại bảo chị đứng ra vay nợ giùm các bạn hàng ngoài chợ để cô mua "bắt đáy" mã khác gỡ lại, chứ cô cũng đã mất đống tiền lớn.
Thương em, chị đi vay nợ giùm. Tiền nợ rồi tiền dành dụm, tất cả đổ vào chứng khoán. Đến khi giật mình nhìn lại, chị hoảng hồn khi số tiền tiết kiệm sau bao năm đã bốc hơi, lại còn gánh thêm khoản nợ 700 triệu đồng vừa vay cho mình vừa vay giùm cô em.
Không còn khả năng trả nợ, chị bị chủ nợ đến tận nhà đòi, sạp trái cây cũng bị đập phá không buôn bán được. Hai cô em chồng giữa tức tốc chạy về họp gia đình rồi lặng người ngồi nghe cậu em trai đổ hết khoản nợ đã vay lên đầu chị. Cô dâu út bảo không đứng ra vay, không chịu trách nhiệm, đầu tư lời lỗ là chuyện bình thường.
Chị nghe giận run người, nhưng giải thích không ai nghe. Ngay cả cô em chồng hay bênh vực chị cũng giận dữ quát lớn: “Em để lại sạp trái cây cho chị nuôi con mà bây giờ chị phá như thế này à?”. Chị chỉ biết khóc.
Sau cùng, ba người em chồng quy giá trị căn nhà theo giá thị trường, chia làm bốn, hùn nhau trả cho chị một phần tư giá trị nhà, gọi là phần của con chị trong khoản thừa kế từ cha nó. Phần tiền này, cộng với phần tiền sang sạp trái cây, đủ cho chị trả nợ và dư một ít làm vốn. Rồi họ yêu cầu mẹ con chị dọn đi.
Con trai chị ngơ ngác, không hiểu vì sao đang yên lành mà phải ra khỏi nhà, sạp trái cây cũng đóng cửa. Cậu cứ hỏi mẹ có thật là như vậy không, chị chỉ biết khóc.
Ngày mai, chị sẽ phải thuê một căn phòng trọ nhỏ và đi làm phụ bếp để kiếm tiền nuôi con. Một tương lai mờ mịt trước mắt chỉ vì đuổi theo chứng khoán cùng những khoản lời ảo. Giờ chị có nhìn lại và hối hận cũng đã muộn màng!
Theo phunuonline.com.vn