Malaysia sẽ mua tên lửa diệt hạm Sea Venom của MBDA?
Tên lửa diệt hạm Sea Venom |
Theo tuần báo quân sự Janes Defense Weekly, Hải quân Malaysia hiện có 6 trực thăng Super Lynx 300 thuộc phi đội 501 đóng tại căn cứ quân sự Lumut và biên chế trên khinh hạm lớp Lekyu.
Đa số tên lửa Sea Skua mà trước đó Hải quân Malaysia đã mua dành cho trực thăng Super Lynx 300 đều đã cũ và sẽ hết thời gian sử dụng vào cuối thập kỷ này.
Theo các chuyên gia của MBDA, khả năng tác chiến của Sea Venom vượt trội so với Sea Skua ở việc trang bị cảm biến tự dẫn ảnh hồng ngoại giúp kháng nhiễu và xác suất trúng mục tiêu cao.
Điều này có nghĩa là máy bay trực thăng Super Lynx-300 được trang bị dòng tên lửa diệt hạm này có thể tấn công các mục tiêu trên biển và vô hiệu hóa các dòng tàu nổi có lượng choán nước từ 50 tới 500 tấn và đạt hiệu quả cao khi ngăn chặn các loại tàu tấn công nhanh hay xuồng cao tốc.
Các tên lửa Sea Venom có tổng trọng lượng khoảng 110kg, do đó, mỗi trực thăng Super Lynx 300 có thể mang theo 4 đạn tên lửa Sea Venom. Sea Venom sẽ được trang bị cho trực thăng Wildcat HMA.2 vào năm 2020.
Sea Venom cũng được thiết kế với đa chế độ dẫn. Việc dẫn bắn tên lửa được thực hiện qua kênh kết nối hai chiều với tên lửa hoặc tự động hoàn toàn. Khi cần, xạ thủ có thể điều chỉnh tên lửa tấn công vào các vị trí không gây chìm tàu đối phương.
Sea Venom là sản phẩm của Chương trình Phát triển tên lửa tự dẫn diệt hạm tương lai FASGW(H)/ANL (Future Anti-Surface Guided Weapon (Heavy)/Anti-Navire Leger) do Anh và Pháp hợp tác sản xuất.