Mai Phương Thúy kiếm được bao nhiêu tiền từ chuỗi cầm đồ F88?
Sẽ không có gì lạ nếu trong số 10 tỷ Thúy tuyên bố đầu tư vào chuỗi cầm đồ, đổi lại, chuỗi cầm đồ phải chi số tiền không nhỏ để bám danh tiếng của người đẹp nhằm gây chú ý trên thị trường.
Tháng 7/2019, CTCP Kinh doanh F88 phát hành hành lô trái phiếu doanh nghiệp tổng trị giá 100 tỷ đồng. Thông tin này có thể sẽ không gây tò mò cho giới đầu tư nếu như không xuất hiện thông tin hoa hậu Mai Phương Thúy tuyên bố chi 10 tỷ đồng để sở hữu 10% lượng trái phiếu phát hành.
Chuỗi cầm đồ F88, dù đến nay chưa từng công khai bản cáo bạch cho công chúng, nhưng vẫn liên tục huy động vốn thông qua kênh trái phiếu.
Trong đợt phát hành này, trái phiếu của F88 có kỳ hạn 2 năm với lãi suất áp dụng cho năm đầu tiên là 12,3%/năm và năm thứ 2 là 13%/năm. Lãi được thanh toán 6 tháng/lần.
Tính trên giấy, khi trái phiếu đáo hạn năm sau, Mai Phương Thúy nhận về 2,53 tỷ đồng tiền lãi. Mức này được coi là tốt nếu so sánh với lãi tiết kiệm gửi ngân hàng nhưng lại rất bình thường nếu so với trái phiếu các DN các ngành khác, nhất là khi trái phiếu của chuỗi cầm đồ lại nhiều rủi ro hơn hẳn.
Chưa kể, với người nổi tiếng như Mai Phương Thúy, việc đầu tư bao nhiêu tiền vào đây sẽ không hẳn là con số công bố, sẽ không có gì lạ nếu trong số 10 tỷ Thúy tuyên bố đầu tư thì chuỗi cầm đồ phải chi số tiền không nhỏ để đổi lại danh tiếng của người đẹp để gây chú ý trên thị trường.
Được biết, tài sản đảm bảo trái phiếu này là 10,51 triệu cổ phần của chính Công ty Kinh doanh F88, bằng hoặc lớn hơn 280% giá trị trái phiếu phát hành. Công ty Kinh doanh F88 là công ty con của CTCP Đầu tư F88.
Mai Phương Thúy có thực sự đầu tư 10 tỷ đồng vào F88? |
Áp lực tài chính đang đè nặng F88?
Đáng chú ý, sau đợt phát hành trái phiếu nói trên, F88 lập tức công bố 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2020 với tổng trị giá 200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong cả 3 đợt phát hành trái phiếu của F88 trong năm 2020, mặc dù lãi suất tiền gửi tại ngân hàng chỉ khoảng 6%/năm nhưng F88 phải chấp nhận mức chi trả lãi suất cho các nhà đầu tư lên đến 12,5%/năm, thậm chí các trái chủ còn được nhận lãi định kỳ 3 tháng/lần.
Thậm chí, cả 3 đợt phát hành của năm 2020 đều không có tài sản đảm bảo, điều này cho thấy khoản đầu tư vào F88 mang tính mạo hiểm cao như thế nào.
Mức lãi cao ngất ngưởng cùng việc chi trả lãi suất 3 tháng/lần có thể là miếng mồi hấp dẫn để F88 huy động được số tiền lớn như vậy từ các nhà đầu tư.
Tính từ đợt phát hành trái phiếu lần đầu vào tháng 8/2019, chuỗi cầm đồ này tuyên bố đã huy động 300 tỷ đồng trái phiếu sau 4 đợt phát hành.
Song, có thể thấy gánh nặng tài chính đang đè nặng lên doanh nghiệp này khi thời hạn phát hành trái phiếu ngắn hơn so với đợt phát hành năm 2019 (thời hạn chỉ 1 năm), thời hạn phải trả lãi suất cho trái chủ cũng ngắn lại (3 tháng so với 6 tháng), trong khi lãi suất gần như không thay đổi.
Lách luật để “hút máu” người vay
Theo Khoản 1 điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 và khoản 6 điều 29 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, lãi suất cầm cố tài sản tại các tiệm cầm đồ tối đa là 20%/năm. Tuy nhiên, các cửa hàng cầm đồ thường lách luật bằng cách thu thêm phí thẩm định, phí quản lý tài sản, phí lưu kho bãi (nếu có).
Có thể thấy, khách hàng vay tiền ở những cửa hàng cầm đồ nói chung đều là những người nghèo, họ cần một món vay “nóng” để giải quyết nhu cầu về tài chính trước mắt, ngoài ra là tài sản không có giấy tờ đầy đủ để thế chấp ngân hàng. Đây cũng là nhóm khách hàng bị “hút máu” nhiều nhất khi vay tiền thông qua dịch vụ cầm đồ.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ nửa đầu năm nay đã có gần 31 triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Tuy nhiên, người lao động rơi vào khốn khó cũng là lúc nhiều tiệm cầm đồ ra sức “hút máu” người vay. Lãi suất cao cắt cổ cùng lợi nhuận khổng lồ khiến một loạt chuỗi cầm đồ nở rộ thời gian gần đây, điển hình như F88 khi công ty này đặt mục tiêu đạt 300 cửa hàng trong năm 2020.
Theo ước tính của các chuyên gia, quy mô thị trường cho vay cầm đồ ở Việt Nam có thể lên tới cả chục tỷ USD. Tuy nhiên, quản lý hoạt động cho vay của các cơ sở cầm đồ hầu như đang bị bỏ ngỏ, khó kiểm soát, khiến rất nhiều tiệm cầm đồ biến tướng thành tín dụng đen trá hình.
Ngân Giang
Cho vay cầm đồ “hút máu” mùa dịch, dồn người vay vào bước đường cùng
Mất việc làm, thu nhập sụt giảm khiến không ít người lao động phải mang tài sản đi cầm để xoay xở, sống sót qua đại dịch.