Mắc ung thư phổi giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Tại buổi hội chẩn trực tuyến về “Tối ưu hoá điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa” – PGS, BS Đỗ Kim Quế- Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, TP. HCM, cho biết ung thư phổi là bệnh ung thư đứng hàng thứ hai trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Theo thống kê của Glocoban năm 2020, hàng năm trên thế giới có khoảng hơn 2,2 triệu người mắc ung thư phổi trong đó nam giới là 1,4 triệu người.
Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai ở cả nam và nữ. Ở nam ung thư phổi xếp sau ung thư gan còn ở nữ ung thư phổi đứng sau ung thư vú. Số người mắc ung thư phổi là hơn 26 nghìn người trong đó hơn 23 nghìn người tử vong.
PGS Quế cho biết ung thư phổi phần lớn các trường hợp phát triển ở giai đoạn muộn, đây là điều không may mắn cho bệnh nhân cũng như cho quá trình điều trị.
Ung thư phổi phát hiện muộn chiếm tới hơn 70%, khi đó không còn có thể điều trị triệt để, tiên lượng của người bệnh cũng xấu.
Trước đây, bệnh nhân bị ung thư phổi ở giai đoạn 3 sống trên 5 năm chỉ trên 10%, ở giai đoạn 4 tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ 1%.
Vài năm trở lại đây, các chẩn đoán về ung thư phổi tốt hơn nhất là công nghệ sinh học chẩn đoán các đột biến gen, xét nghiệm chốt chặn miễn dịch giúp chọn lựa điều trị bệnh nhân ung thư phổi để sử dụng liệu pháp nhắm trúng đích để điều trị tốt hơn, ít tác dụng phụ hơn.
Nhờ đó, tiên lượng cho bệnh nhân ung thư phổi đã cao hơn. Hiện ung thư phổi ở giai đoạn tiến xa thời gian sống thêm có thể kéo dài được trên 2 năm. Có được thành quả đó là nhờ việc tối ưu hoá các phương pháp điều trị cho bệnh nhân.
PGS Quế cho biết hiện nay các phương pháp điều trị ung thư đã có nhiều tiến bộ nhưng người bệnh mắc ung thư và tỷ lệ tử vong do ung thư vẫn không giảm.
Ung thư phổi có hai loại - ung thư phổi không thế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Ung thư phổi tế bào nhỏ thì tế bào ung thư di căn rất nhanh. Ung thư phổi không tế bào nhỏ gồm ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào vẩy. Cả hai loại này đều điều trị khác nhau.
Bác sĩ Trần Mạnh Hoàng – Khoa Ung bướu, Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM cho biết đến nay ung thư phổi vẫn là vấn đề khó khăn nhất là giai đoạn xa. Ngay cả ở Mỹ tỷ lệ sống trên 5 năm ở giai đoạn xa chưa được 5%.
Hiện nay, ung thư phổi bắt đầu được chia nhỏ và điều trị theo từng cá thể với sự ra đời của nhiều thuốc giúp người ung thư phổi có nhiều cơ hội điều trị hơn, kéo dài thời gian sống.
BS Nguyễn Thị Đại Đồng – khoa Ung bướu, Bệnh viện Thống Nhất cho biết bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ đến khám tại Khoa Ung bướu của Bệnh viện giai đoạn 4 chiếm 38 %, giai đoạn đoạn 3 chiếm 31 %... Khi mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ trước đây chủ yếu là điều trị tại chỗ.
Ở giai đoạn muộn, nếu những năm 1980 người ta bắt đầu hoá trị đơn trị rồi tới đa trị thời gian sống từ 2 đến 4 tháng. Từ năm 1990 đến năm 2000 thời gian sống trung bình 6 đến 9 tháng.
Từ năm 2000 thì có điều trị đích giúp thời gian sống cho bệnh nhân kéo dài từ 8 đến 10 tháng. Hiện nay, bệnh ung thư phổi được điều trị tiến bộ hơn như phối hợp hoá trị, nhắm đích kết hợp và điều trị liệu pháp miễn dịch giúp nâng thời gian sống còn cho người bệnh lên trên 12 tháng.
Mặc dù ung thư phổi tiên lượng thấp hơn các bệnh ung thư khác nhưng nếu phát hiện sớm việc điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều. Biểu hiện của ung thư phổi là ho kéo dài nhưng rất nhiều người hay chủ quan nghĩ rằng ho do viêm họng.
Ung thư phổi ở giai đoạn sớm người bệnh thường có biểu hiện khó thở, thở khò khè, giọng nói cũng thay đổi và trở nên khàn giọng…
Các biểu hiện thông thường khiến nhiều người chủ quan là dễ mệt mỏi, đau nhức cơ. Đột ngột giảm cân không rõ nguyên nhân không liên quan đến việc bạn cắt giảm calo hoặc tập thể dục
Khánh Chi