Mặc kệ 'hạt ngọc' ẩn 39 năm trời, người đàn ông nhận kết không thể đắng hơn
Dù biết tinh hoàn trái bị ẩn, nhưng người đàn ông 39 tuổi chưa từng một lần đi khám. Chỉ đến khi đau tức, nổi khối cứng mới đến viện thì ngã ngồi khi biết đó là khối u đã di căn tới nhiều vị trí...
39 năm mặc kệ "hạt ngọc" ẩn
TS. BS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và y học giới tính, BV ĐH Y Hà Nội cho biết vừa khám và điều trị bệnh nhân “khá đặc biệt”.
Bệnh nhân nam 39 tuổi đến viện vì phát hiện khối sưng, đau tức vùng bẹn trái. Theo lời bệnh nhân, trước đó anh hoàn toàn khoẻ mạnh, đã có vợ và 3 người con.
Hình ảnh khối u di căn sang hạch chậu của nam bệnh nhân 39 tuổi |
Trước đó, ngay từ khi còn nhỏ bệnh nhân đã không sờ thấy tinh hoàn bên trái. Tự tìm hiểu, người đàn ông này biết mình bị ẩn một bên tinh hoàn trái, nhưng tâm lý ngại đi khám và một phần chủ quan nên chưa đi khám và điều trị.
2 tuần nay bệnh nhân bỗng dưng thấy đau tức, nổi khối cứng vùng bẹn trái, khối tăng dần kích thước, bệnh nhân lo lắng đến khám tại khoa Nam học và YHGT, Bệnh viên Đại học Y Hà Nội.
“Qua thăm khám bác sỹ phát hiện bệnh nhân khuyết một bên tinh hoàn trái, sờ thấy một khối cứng chắc, ấn đau tức vùng bẹn trái. Các xét nghiệm, hình ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy, vị trí khối sưng vùng bẹn trái chính là tinh hoàn đã ung thư hoá. Tồi tệ hơn nữa là khối u đã di căn tới nhiều vị trí vùng chậu và ổ bụng.
Bệnh nhân sau đó được chỉ định phẫu thuật cắt u tinh hoàn, nạo vét hạch và có thể phối hợp điều trị hóa chất sau đó”, TS. BS Hoài Bắc thông tin.
Quý ông đừng chủ quan khi thấy dấu hiệu bất thường ở "của quý" |
Ẩn tinh hoàn là một bệnh lý bẩm sinh, do tinh hoàn không di chuyển xuống vị trí bình thường tại bìu, mà nằm bất thường ở nhiều vị trí khác (ống bẹn, đùi, trước xương mu, trong ổ bụng, trước bàng quang…).
Ẩn tinh hoàn là bệnh lý phổ biến ở trẻ trai với tỷ lệ 3- 5% ở trẻ đủ tháng, 30 - 45% ở trẻ sinh non. Một số nguyên nhân có thể dẫn tới bệnh lý ẩn tinh hoàn như: Rối loạn nội tiết tố, bất thường di truyền, bất thường cấu trúc giải phẫu, sinh non, thiếu cân….
TS. BS Nguyễn Hoài Bắc nhấn mạnh, tinh hoàn ẩn nếu không được can thiệp phẫu thuật hạ xuống bìu sớm trước 18 tháng tuổi thì có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Teo tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn, ảnh hưởng tới tâm lý mặc cảm, tự ti và đặc biệt nguy hiểm khi tinh hoàn ẩn có nguy cơ tiến triển thành ung thư cao gấp 10 lần người bình thường.
Ung thư tinh hoàn bệnh hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm
BSCKI. Dương Ngọc Vân, Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết, ung thư tinh hoàn là bệnh ung thư khá hiếm gặp ở nam giới (chiếm khoảng 1%) vì thế mà không nhiều người biết và hiểu rõ về bệnh. Điều này góp phần tăng tỷ lệ tử vong, biến chứng của ung thư tinh hoàn.
Sự hình thành khối u ác tính ở tinh hoàn sẽ gây ra các triệu chứng tại chỗ, khi khối u lớn và lan rộng đến các vùng xung quanh, triệu chứng sẽ rõ ràng và đa dạng hơn. Nếu nam giới chủ quan, dấu hiệu sớm của ung thư tinh hoàn có thể không được phát hiện, khiến việc điều trị và biến chứng nguy hiểm hơn.
BS Ngọc Vân nhấn mạnh, ung thư tinh hoàn khá hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm. Do đó, bác sĩ khuyến cáo nam giới nên tự kiểm tra, khám sức khỏe tinh hoàn để phát hiện bệnh nhờ các dấu hiệu sớm như:
Thay đổi kích thước bất thường:
Khối u ung thư thường xuất hiện ở một bên tinh hoàn, ban đầu kích thước khối u rất nhỏ nên có thể không gây ra khác biệt giữa hai bên tinh hoàn. Theo thời gian, khối u lớn lên sẽ khiến bên tinh hoàn bị bệnh phát triển hơn so với bên còn lại.
Khi dùng tay thăm khám, bạn có thể phát hiện sự khác biệt này. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân ung thư tinh hoàn khi khám thấy rõ một vùng tinh hoàn sưng lên bất thường.
Cảm giác đau, khó chịu tại chỗ
Người bệnh sẽ có triệu chứng đau ở vùng bẹn bìu hoặc bụng dưới âm ỉ. Ngoài ra, ở vùng bìu sẽ có cảm giác nặng nề hoặc xệ xuống ở tinh hoàn do có khối u. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể đau bụng do di căn hạch ổ bụng hoặc do ung thư tinh toàn phát triển trong ổ bụng.
Bệnh nhân ung thư tinh hoàn có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, đặc biệt là nhiễm trùng mào tinh hoàn. Khi đó sẽ xảy ra tình trạng tích tụ dịch trong bìu, sưng đau khó chịu.
Khi khối u ung thư tinh hoàn kích thước lớn, lan rộng hoặc chèn ép vào dây thần kinh liên quan, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau lan rộng hơn đến vùng háng hoặc bụng dưới.
Ung thư tinh hoàn giai đoạn đầu, khi khối u còn phát triển trong phạm vi tinh hoàn thì chỉ gây triệu chứng tại cơ quan này. Khi sang giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có thể có các triệu chứng khác như: Khó thở, đau ngực, ho có đờm, ho ra máu, đau lưng dưới.
Ngực mềm hoặc phát triển bất thường do khối u ung thư tinh hoàn ảnh hưởng đến sự tổng hợp hormone sinh dục nam, làm tăng trưởng mô ngực.
Nhiều trường hợp xuất hiện biểu hiện sưng một hoặc hai bên chân do cục máu đông trong tĩnh mạch lớn.
Dấu hiệu sớm của ung thư tinh hoàn nhìn chung khá mờ nhạt, vì thế rất khó phát hiện và điều trị ở giai đoạn hiệu quả nhất này.
Các chuyên gia khuyên nam giới nên thường xuyên tự kiểm tra tinh hoàn bằng tay, so sánh kích thước và kiểm tra tình trạng đau.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ trên, nên sớm tới cơ sở y tế để được thăm khám. Phát hiện ung thư tinh hoàn càng sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh càng cao.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, nếu gia đình hoặc người thân của bạn có tình trạng ẩn tinh hoàn như trên, hãy đưa đi khám sớm nhất có thể.
Với người trưởng thành để phòng tránh ung thư tinh hoàn, cần tự biết cách khám tim hoàn để phát hiện sớm bệnh.
Quan hệ tình dục lành mạnh, tránh các bệnh truyền nhiễm, nhất là HIV. Chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh với dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thường xuyên để nâng cao sức khỏe.
Bước 1: Kiểm tra da bìu xem có phù nề không bằng cách đứng trước gương.
Bước 2: Khám từng bên tinh hoàn bằng tay để tìm u cục bất thường.
Bước 3: Kiểm tra mào tinh hoàn xem có bất thường không.
N. Huyền