Loại hạt "tí hon” có công dụng như gã "khổng lồ"
Hạt vừng được ví như một “vệ sĩ tí hon” luôn song hành “bảo vệ” chúng ta một cách tự nhiên qua các món ăn bài thuốc được dân gian lưu truyền.
TS. Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện thuốc nam cho biết, hạt vừng là một trong những loại hạt quen thuộc từ lâu mang giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt vừng còn“nổi danh” là một vị thuốc với nhiều tác dụng hữu ích cho sức khỏe và sắc đẹp, được y học dân tộc nhiều quốc gia tin dùng.
Vừng được trồng ở khắp nơi trong nước ta để lấy hạt ăn và để xuất khẩu. TS. Ngô Đức Phương cũng nhấn mạnh, dù những hạt vừng nhỏ xíu nhưng lại chứa cả một “kho” dinh dưỡng và thuốc trong đó. Bởi trong hạt vừng có chứa đủ các thành phần dinh dưỡng như protid, lipid, glucid, xơ, vitamin B1, B2, PP, E, các chất khoáng như: Ca, P, K, Na, Mg, Fe, Zn, Se, Cu, Mn… Với 3 loại vừng trắng, vàng, đen thì vừng đen được sử dụng nhiều trong y học.
Cho biết thêm về tác dụng “khổng lồ” của loại hạt nhỏ xíu này, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết theo Y học cổ truyền, vừng có thể được dùng đơn độc hoặc phối các vị thuốc khác chữa trị nhiều bệnh.
Loạt hạt tí hon có tác dụng của gã "khổng lồ" |
Theo sách Bản thảo cương mục, hạt vừng bổ dưỡng ngũ tạng, chưng với mật ong chữa được nhiều bệnh. Với Nam y thần dược: “Hạt vừng (ma nhân), dầu vừng (ma du) có vị ngọt, béo, tính bình, quy 4 kinh phế, tỳ, can, thận. Có tác dụng nhuận tràng, bổ khí huyết, bổ ngũ tạng, ích khí lực, bổ não tủy, mạnh gân cốt, sáng tai mắt, ích lão trường thọ”.
Theo đó, vừng thường được dùng để chữa táo bón, tăng cường dinh dưỡng, lợi sữa ở phụ nữ nuôi con bú, trị lỵ, giải độc, chữa tổn thương do chấn thương, bỏng, mụn nhọt.
Đặc biệt, hoạt chất sesamin và sesaminol trong dầu vừng có tác dụng chống tăng huyết áp, hạ cholesterol và chống sự giãn nở của cơ tim, chống oxy hóa, bảo vệ gan.
Giá trị đặc biệt hơn từ hạt vừng bé nhỏ này là khả năng phòng chống ung thư. Với lượng lớn dinh dưỡng cùng các vitamin, khoáng chất thì hạt vừng còn chứa axit phytic là một hợp chất chống ung thư mà ít ai biết tới. Nó hoạt động như một chất chống oxy hóa, ngăn chặn hoạt động của các gốc tự do.
Do đó, TS, lương y Phùng Tuấn Giang nhấn mạnh không chỉ ngăn ngừa bệnh ung thư, hợp chất này còn giúp cơ thể tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, làm chậm quá trình lão hóa, cải thiện và ngăn ngừa bệnh tim mạch, ngăn chặn các bệnh liên quan đến rối loạn nhận thức.
“Hàm lượng magie cao trong hạt vừng (với 36g hạt vừng đã cung cấp tới 31,6% nhu cầu magie hằng ngày cho cơ thể) làm giảm và ổn định huyết áp, ngăn chặn những cơn đau tim, đột quỵ. Bên cạnh đó, hạt vừng còn giúp ngăn ngừa sự co thắt đường hô hấp, ngăn ngừa những cơn đau nửa đầu và làm giảm hội chứng tiền mãn kinh… Ngoài ra, các sản phẩm từ hạt vừng có tác dụng ngăn chặn và kiểm soát bệnh tiểu đường ở mọi tình trạng khác nhau, bằng khả năng điều hòa lượng insulin và glucose trong cơ thể; Chất xơ và dầu béo trong hạt vừng giúp thức ăn dễ tiêu hóa hơn, do vậy mà cơ thể cũng tránh được các loại bệnh về đường tiêu hóa”, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang thông tin.
Vị lương y này cũng hướng dẫn một số món ăn, bài thuốc mà mọi người có thể áp dụng. Cụ thể:
Hạt vừng có thể hỗ trợ suy nhược cơ thể bằng cách lấy vừng đen, lá dâu non lượng bằng nhau, tán nhỏ, làm viên hoàn tán với mật, mỗi hoàn 10g, ngày uống 1 - 2 hoàn.
Hạt vừng cũng trị táo bón kéo dài: vừng đen, lá dâu mỗi vị 100g, sa sâm, mạch môn mỗi vị 200g, tán nhỏ, làm hoàn với mật, mỗi hoàn 10g, ngày uống 1 - 2 hoàn.
Tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu não: vừng đen, hà thủ ô, ngưu tất lượng bằng nhau, tán bột, làm hoàn, mỗi hoàn 10g, ngày uống 2 - 3 hoàn.
Viêm thận mạn tính: vừng đen 0,5kg, quả óc chó 0,5kg, táo đỏ vừa đủ. Vừng đen và quả óc chó tán nhuyễn, ngày 3 lần, mỗi lần 20g, sau khi uống, nhai thêm 7 quả táo (đây là 1 liệu trình, uống hết chế biến tiếp).
Sản phụ thiếu sữa: vừng đen 250g, giò heo 2 - 3 cái, gia vị vừa đủ. Giò heo hầm canh, vừng đen sau khi rang tán nhuyễn, uống với canh giò heo, mỗi lần 15g, ngày 3 lần.
Hen suyễn: vừng đen 250g (sao), gừng 120g, đường phèn 100g, mật ong 100g. Gừng vắt lấy nước, trộn với vừng, rồi cho vào chảo rang thơm, để nguội. Đường phèn và mật ong nấu chảy trộn đều với vừng, sau cùng chứa trong một lọ. Mỗi sáng và chiều múc ăn 1 muỗng canh.
Trẻ em ho gà: vừng đen 50g, lạc 30g, mật ong 50ml. Tất cả cho vào nồi, thêm nước nấu canh, ăn sau khi nấu chín, ngày 1 lần, dùng liền 3 - 5 ngày.
Ngoài ra, vừng đen còn được đưa vào bài thuốc hỗ trợ giảm trí nhớ, hay quên, mất ngủ: vừng đen 250g, quả óc chó 250g, đường vàng 0,5kg. Cách làm: Rang chín vừng và quả óc chó. Đun nước đường cho nước vừa đủ, nấu nhỏ lửa khi đường chảy dính, kéo lên thành sợi, tắt bếp, đổ vào mè đen, quả óc chó, trộn đều, sau khi đổ vào những khuôn có lót dầu ăn, chờ nguội, cắt miếng, mỗi lần dùng 15g, ngày 3 lần, ăn thường xuyên.
N. Huyền